Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: Tôn vinh sáng tạo vì trẻ em

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/9, báo Thể thao & Văn hóa tổ chức lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Giải thưởng nhằm tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc của thiếu nhi. Và quan trọng hơn, giải thưởng như một cú hích mở đầu, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào việc đầu tư, sáng tác, trình diễn nghệ thuật giải trí dành cho trẻ em.

Đãi cát tìm vàng
Tháng 5/2020, báo Thể thao & Văn hóa phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ nhất. Sau hơn 4 tháng, hơn 110 tác phẩm của các tác giả thuộc nhiều lứa tuổi, từ khắp mọi miền đất nước liên tục gửi về. Tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, trong đó nhiều nhất là truyện ngắn, tập truyện ngắn và truyện dài.

Theo Ban Tổ chức, Ban Sơ khảo giải thưởng đã cũng tích cực “đãi cát tìm vàng”, chọn lọc các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh dành cho thiếu nhi đề xuất đưa lên hội đồng giám khảo tiếp tục thẩm định, nhằm không một tác phẩm hay nào ra đời trong thời gian xét giải bị bỏ lọt một cách đáng tiếc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cho biết: “Có người là những cây bút có nhiều đóng góp cho các em, có tác giả lần đầu cầm bút. Trong đó có những nhà văn lão thành, có cả các em thiếu niên cùng tham gia việc sáng tạo. Những tác phẩm được giải phong phú, đa dạng, có nhiều đóng góp mới”.
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi trao Giải Hiệp sĩ Dế mèn cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả truyện dài ''Làm bạn với bầu trời''. Ảnh: Thành Đạt
Một trong những dấu ấn thành công của Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn trong lần đầu tiên tổ chức là quy tụ được một hội đồng giám khảo gồm những văn nghệ sĩ uy tín. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - thành viên Hội đồng giám khảo: “Tôi bị áp lực là làm sao tìm được tác phẩm xứng đáng và hướng giải thưởng đến những bài học đạo đức cho những đứa trẻ, câu chuyện đầy tính tò mò hay là làm cho đứa trẻ bước vào một thế giới - ở đó chúng được mở rộng hết tất cả tâm hồn trẻ thơ để đón nhận những điều đẹp nhất từ gia đình, xã hội, nhà trường và từ thiên nhiên của xứ sở này”.

Đầu tư cho thế hệ tương lai

Tại lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, công chúng được thưởng lãm chùm tranh chủ đề phòng chống Covid-19 nổi tiếng trên truyền thông quốc tế của họa sĩ nhí (10 tuổi) Nguyễn Đới Chung Anh. Có một điều rất thú vị là “sự kiên cường của nghệ thuật” - như chiến dịch mà UNESCO khởi động (ResiliArt) đã được bộc lộ một cách tự nhiên mà mãnh liệt, không chỉ qua những bức tranh của Nguyễn Đới Chung Anh mà còn ở khá nhiều những tác phẩm dự thi khác. Bởi dường như đã có những tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi xuất hiện chính trong giai đoạn phải nghỉ học vì đại dịch Covid-19 này. Đơn cử, một cậu bé đã lục tung chiếc tủ sách của gia đình mình để đọc những quyển mà cậu nghĩ rằng chúng đáng đọc. Đọc liên miên cho đến khi cậu nảy ra ý định “viết ra những câu chuyện đang diễu hành trong đầu mình” và những câu chuyện ấy đã làm cho Hội đồng giám khảo thực sự sửng sốt.

Lễ trao giải cũng là dịp để nghe các văn nghệ sĩ trong Hội đồng giám khảo chia sẻ về nghệ thuật thiếu nhi. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, tác giả của “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” chia sẻ: “Tôi muốn kêu gọi các nhà văn, ít nhất trong 10 năm cầm bút của mình, hãy dành 1/3 hoặc 1/4 để viết một cuốn sách gì đó. Không cần phải điều gì lớn lao, hãy viết về chính đứa con, đứa cháu mình với sự trung thực và lòng yêu thương chân thật. Và có lẽ, từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho những đứa trẻ” - ông xúc động nói sau khi chấm giải Dế Mèn lần thứ nhất. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng có tác phẩm dự thi, và được Ban Sơ khảo và Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao, dự định Trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn vì điều đó không vi phạm Quy chế giải. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều quyết định xin rút khỏi giải thưởng.

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn như một cú hích mở đầu, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào việc đầu tư, sáng tác, trình diễn nghệ thuật giải trí thiếu nhi. Đó là sự đầu tư đúng đắn, bức thiết cho những chủ nhân tương lai của đất nước; là đầu tư từ gốc để xây dựng văn hóa đọc và phát triển các hình thức sinh hoạt giải trí lành mạnh khác. Đồng thời, giải thưởng cũng tạo ra cơ hội để phát triển thị trường văn học, nghệ thuật, giải trí có sức tiêu thụ lớn trong nhóm thiếu nhi mà lâu nay để cho văn hóa phẩm nước ngoài lấn át.
Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ nhất: 1 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài “Làm bạn với bầu trời”; 4 Giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), được trao cho: Chùm tranh chủ đề phòng, chống Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi);  “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” bản thảo truyện dài của Cao Khải An (12 tuổi); “Mộng giang hồ” bản thảo tập truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan; chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.