Giảm 2% thuế VAT, nên kéo dài thời gian thực hiện

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin giảm thuế VAT đang được cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất chờ đợi. Nhiều ý kiến đề xuất, để chính sách phát huy tác dụng, đạt được mục tiêu đặt ra cần kéo dài thời gian thực hiện, thay vì chỉ hỗ trợ 6 tháng như đề xuất.

Kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để chính sách phát huy tác dụng, nhiều ý kiến đề xuất kéo dài hơn thời gian hỗ trợ.

Người dân, doanh nghiệp mong muốn kéo dài thời gian giảm thuế VAT. Ảnh minh họa
Người dân, doanh nghiệp mong muốn kéo dài thời gian giảm thuế VAT. Ảnh minh họa

Chủ siêu thị MiniMart (Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, việc giảm thuế VAT 2% sẽ có tác dụng rất lớn, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được phần nào chi tiêu khi giá cả hàng hóa ổn định.

Còn về phía doanh nghiệp, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn, kiểm soát được giá thành sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nhưng để áp dụng thay đổi mức thuế VAT phải tốn thời gian chuẩn bị về thay đổi hóa đơn, giá bán, làm việc với đơn vị cung ứng.

“Từ nay tới cuối năm chỉ còn 6 tháng, thời gian quá ít để tác động kéo sức mua tăng lên. Vì vậy, tôi kiến nghị sách cần áp dụng ít nhất trong một năm, vì dự báo tình hình kinh tế còn khó khăn” – chị Nguyễn Thị Phượng kiến nghị.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho rằng, chu kỳ giảm thuế VAT 2% nên kéo dài hơn để tăng độ lan tỏa của chính sách. Chính sách ban hành có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu vào giá thành sản phẩm, giá bán hàng hóa. Nếu được, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nên kéo dài qua Tết Nguyên đán 2024, thời điểm đó, cầu tiêu dùng nội địa tăng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét những sắc thuế khác có thể miễn, giảm giai đoạn này, đơn cử như giảm thuế trước bạ. Kinh tế khó khăn nhưng vẫn có những nhóm khách hàng có đủ điều kiện mua nhà, mua xe, cần kích cầu họ trong chi tiêu.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm nêu ý kiến, hiện nay trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ luân phiên, suy giảm trong sản xuất kinh doanh, việc áp dụng chính sách này trong 6 tháng khó mang lại sự phục hồi như kỳ vọng.

Chính sách không thể chỉ 6 tháng, thực hiện một cách “giật cục” theo kiểu thực hiện 6 tháng này rồi 6 tháng sau dừng rồi lại thực hiện tiếp 6 tháng, mà cần tính toán dài hơi. Vì vậy, có thể nghiên cứu kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Chính sách giảm thuế VAT có thể làm giảm thu ngân sách trong năm 2023, trong khi các khoản chi dự toán đã được Quốc hội thông qua sẽ khó điều chỉnh. Khi đó, nếu kéo dài chính sách sang năm 2024, dự toán chi sẽ được điều chỉnh để cân đối thu chi.

Hiện đại hóa hệ thống, đơn giản thủ tục hành chính thuế

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp, như thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu, tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

 

Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách thuế để vừa bảo đảm nguồn thu cũng như hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.

Đồng thời, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023.

Mặt khác, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính), việc đơn giản hóa thủ tục thuế để giúp doanh nghiệp, người dân tích cực chủ động trong kê khai, nộp thuế đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, tình trạng thất thu thuế do móc ngoặc, trốn lậu thuế vẫn còn. Vì thế, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là nguồn thu từ thương mại điện tử, một trong những nguồn mà hiện chúng ta vẫn còn thất thu khá lớn.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, do vậy, cần truyền thông thật tốt về chính sách giảm thuế VAT để người dân nắm được. Đồng thời yêu cầu bên bán hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng đúng thuế suất theo như Chính phủ đã giảm cho người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. Người tiêu dùng cần thấy rõ được hàng hóa hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế VAT.