Giảm 50% lệ phí trước bạ - Cú hích cho thị trường ô tô trong nước

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Giá cả giảm sâu vẫn ế ẩm

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đang trải qua giai đoạn ảm đạm.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong quý I/2023 vẫn còn khá ảm đạm. Doanh số bán hàng có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022 (thời điểm Tết Nguyên đán) cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.

Sau 4 tháng đầu năm, toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 92.801 ô tô các loại, giảm 30% so với cùng kỳ của năm 2022. Doanh số của nhóm ô tô lắp ráp trong nước đạt 50.017 xe, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức bán của nhóm xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cũng thấp hơn 16% so với 4 tháng đầu năm 2022.

Sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, các hãng xe đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhưng vẫn trong cảnh ế ẩm. Cụ thể, tháng 5/2023, xe Mazda CX-8 tiếp tục được Thaco áp dụng chương trình giảm giá bằng hình thức hỗ trợ lệ phí trước bạ, với mức giảm cao nhất 110 triệu đồng. Theo đó, giá của CX-8 Luxury và Premium được giảm khoảng 95 triệu đồng.

Trong khi đó, Toyota Fortuner cũng được một số đại lý hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với mức giảm từ 100 đến 125 triệu đồng đối với bản VIN 2022. Ngoài ra, khách hàng đặt xe Toyota Fortuner trong thời gian này sẽ được tặng gói phụ kiện chính hãng trị giá 30 triệu đồng.

Hay xe Ford Everest được đại lý thông báo chương trình ưu đãi gần 100 triệu đồng, dù trước đó hồi đầu năm 2023, khi mới ra mắt, mẫu xe này liên tục kênh giá và bán khá chạy.

Anh Nguyễn Văn Nguyên – chủ một đại lý ô tô trên đường Phạm Hùng (TP Hà Nội) cho hay, so với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán hàng của đại lý giảm khoảng 30%. Theo nhận định của anh Nguyên, nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm do ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều người không thể vay mới để mua xe vì lãi suất thả nổi tăng cao hơn trước. Người dân quay đầu không mua xe nữa vì lãi suất trả góp cao.

Sức mua sụt giảm của thị trường khiến hoạt động sản xuất ô tô trong nước bị chững lại đáng kể. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 109.500 ô tô các loại hoàn thành xuất xưởng tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dù vẫn tăng trưởng 47,2% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái để đạt tổng cộng 54.344 ô tô các loại cập cảng Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, ô tô nhập khẩu tính riêng ở tháng 4 chỉ đạt 12.323 xe, giảm 19,1% so với số lượng ghi nhận trong tháng cuối cùng của quý I.

Cần cú hích từ chính sách giảm thuế, phí

Để tạo cú hích cho thị trường ô tô trong nước, nhiều cơ quan, bộ ngành cho rằng thị trường rất cần một cú hích từ chính sách ưu đãi phí trước bạ của Chính phủ, nhằm phần nào giúp các hãng xe và đại lý giảm tải gánh nặng kinh tế do đã triển khai ưu đãi liên tục trong nhiều tháng liền.

 

Trong năm 2022, để  kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ đã 2 lần giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đó là trong 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Thảo luận tại Quốc hội hôm 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng, qua các giai đoạn áp dụng chính sách giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô đã cho thấy những tác động tích cực và mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn hỗ trợ giảm phí trước bạ từ tháng 7/2020 - 12/2020, số lượng xe bán ra đã tăng 77% so với 6 tháng đầu năm 2020. Khi áp dụng giảm phí trước bạ từ tháng 12/2021 - 5/2022, lượng xe bán ra đều tăng trung bình 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ, cũng như sau khi kết thúc hỗ trợ.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo dự thảo Nghị định, từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính ước tính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm nay có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có công văn chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 6 tháng cuối năm nay.

Công văn nêu rõ, xét đề xuất của Bộ Tài chính về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng 6 tháng, kể từ ngày 1/7 đến hết năm nay.