Giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp nhận, quản lý người nghiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình thực hiện việc tiếp nhận, quản lý giáo dục học viên tại Trung tâm, tôi xin đưa ra 2 ý kiến nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính khi thực hiện việc tiếp nhận, quản lý giáo dục người nghiện tại Trung tâm như sau:

 Thủ tục tiếp nhận người nghiện bắt buộc vào cai nghiện tại Trung tâm

Việc tiếp nhận người cai nghiện bắt buộc vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm được thực hiện theo điều 17 Nghị định 135/2004/NĐ- CP. Hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh được thực hiện theo điều 9 của Nghị định 135/2004/NĐ-CP; hồ sơ gồm có:  Bản sơ yếu lý lịch (có dán ảnh 4x6 cm) và có căn cứ xác định độ tuổi của người được đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm. Bệnh án (nếu có). Biên bản hoặc tài liệu xác nhận về hành vi vi phạm pháp luật của người đó. Bản sao quyết định xử phạt hành chính do vi phạm hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và biên lai xử phạt (nếu có). Bản sao quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn do hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, quyết định quản lý cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng hoặc quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng; Quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai (nếu có).  Bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã phường, thị trấn...

Như vậy theo điều 17 của Nghị định 135/2004/NĐ – CP trung tâm phải thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, giấy chứng minh nhân dân (nếu có) hoặc danh chỉ bản thân của người đưa vào cơ sở chữa bệnh và lập biện bản giao nhận khi làm thủ tục tiếp nhận.

Để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan đến người bị áp dụng đưa vào cơ sở chữa bệnh. Tôi xin đề xuất ý kiến như sau:

Thứ nhất, hồ sơ lập cần bỏ bớt các thủ tục: Bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã phường, thị trấn; Giấy chứng nhận đã chấp hành xong Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, Giấy chứng nhận đã chấp hành xong Quyết định quản lý sau cai nghiện ma túy (nếu có). Ý kiến của Ủy ban mặt trận Tổ quốc hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp mà người đó là thành viên.

Thứ hai, thủ tục tiếp nhận người bị áp dụng đưa vào Trung tâm. Khi tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm thì chỉ cần các thủ tục sau và hồ sơ này được lưu tại trung tâm. Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh của Chủ tịch UBND cấp huyện; Biên bản thi hành quyết định đưa vào Trung tâm (mẫu số 03);  Biên bản giao nhận (mẫu số 04).

Hồ sơ theo điều 9 của Nghị định 135/2004/NĐ- CP được lưu tại UBND cấp xã, phường, thị trấn và phòng LĐTBXH các quận, huyện mà không cần lưu toàn bộ hồ sơ ban đầu tại Trung tâm. Nếu được như vậy thì sẽ tiết giảm được những vấn đề sau:

Thuận lợi cho công tác tiếp nhận người nghiện vào trung tâm đảm bảo nhanh, gọn và chính xác. Không phải photocopy quá nhiều hố sơ và lưu ở nhiều nơi. Mọi vướng mắc, khiếu nại về việc đưa người vào cơ sở chữa bệnh phải được từ cấp xã, phường, thị trấn và phòng LĐTBXH cấp huyện giải quyết với người dân. Trung tâm chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận người (có quyết định) vào trung tâm để chữa bệnh, quản lý giáo dục và dạy nghề lao động trị liệu nhằm thay đổi hành vi nhận cách cho người nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Khi hết thời hạn cai nghiện tại trung tâm chuyển sang quản lý sau cai theo Nghị định 94/2009/NĐ – CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ, trung tâm không phải photocopy lại toàn bộ hồ sơ của người cai nghiện tại trung tâm nữa mà chỉ thực hiện photocopy quyết định và các tài liệu có liên quan đến trong quá trình người nghiện ma túy bị quản lý tại trung tâm.

Chế độ đánh giá, xếp loại của học viên tại Trung tâm

Theo điều 16 của Thông tư 14/2012/TTLT – BLĐTBXH – BCA ngày 06/6/2012 của Bộ LĐTB&XH, Bộ công an quy định chi tiết chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh  và chế độ áp dụng người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

Học viên được đánh gia, xếp loại theo tuần. Thứ 7 hàng tuần cán bộ phụ trách tổ cho các thành viên họp tổ bình xét, xếp loại. Tiêu chí xếp loại theo bốn loại: Tốt, khá, trung bình, yếu. Kết quả xếp loại được thông báo công khai trên phương tiện truyền thanh của đơn vị vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nếu học viên không có khiếu nại gì thì ghi vào phiếu đánh giá xếp loại học viên (Mẫu số 13) và lưu vào hồ sơ quản lý.

Với cách làm như vậy là quá nhiều thủ tục hành chính và không khả thi.

Bởi vì, hiện nay các trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội đang quản lý với số lượng lớn người vào cai nghiện tại trung tâm, trong khi  1 cán bộ quản lý 8 - 9 học viên (theo quy định tại thông tư 21/2008/TTLT – BLĐTBXH – BNV ngày 08/10/2008). Hoạt động chính tại đơn vị là chữa bệnh, quản lý, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên. Vì vậy với số lượng học viên đông, cán bộ có hạn không thể thực hiện được việc đánh giá học viên theo tuần.

Vì vậy thực hiện đánh giá học viên theo quý. Nếu được thực hiện như vậy thì sẽ tiết giảm được các vấn đề sau: Hồ sơ tài liệu đánh giá học viên quá nhiều (1 học viên 1 năm có tối thiểu 104 tờ phiếu đánh giá, xếp loại). Việc tổ chức họp, đánh giá xếp loại học viên mất quá nhiều thời gian cho các hoạt động khác như giáo dục, học văn hóa, dạy nghề tạo việc làm.

Trên đây là một số đề xuất nhằm cải cách giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy nhằm đem lại hiệu quả trong công tác quản lý cũng như hiệu quả kinh tế mang lại cho ngân sách.