Giảm cấp trung gian để gọn đầu mối

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng một số tổ chức còn giao thoa... là nhận định được Chính phủ đưa ra trong trong Báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Thực tế này chính là cơ sở để đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Tăng đầu mối đơn vị hành chính

Bộ máy còn cồng kềnh là nhận định được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra qua thực tế giám sát vấn đề này. Thống kê cho thấy, hiện có 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ tổng cục so với tổng số vụ và tương đương là 50%. Việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong bộ khiến bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Dù đã có sự sắp xếp, điều chỉnh, song trong 5 năm (2011 - 2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ vẫn tăng. Nếu như năm 2011 có 482 đơn vị, thì năm 2016 có 510 đơn vị (tăng 28 đơn vị). Số đơn vị hành chính thuộc Tổng cục cũng tăng 822 đơn vị (từ 3.045 đơn vị năm 2011 lên 3.867 đơn vị năm 2016). Chưa kể, trong 5 năm có 29 Cục được thành lập, tăng thêm 180 phòng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng biên chế.

Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hậu

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thông thường giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong cơ quan chuyên môn, nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều, nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Do đó sắp tới phải kiểm soát cơ cấu này. Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ cũng nhìn nhận, chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực tuy đã giảm chồng chéo nhưng vẫn còn giao thoa. Việc chuyển giao một số nhiệm vụ từ cơ quan hành chính Nhà nước cho các tổ chức xã hội còn hạn chế. Thực tế cho thấy, trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước thời gian qua không giảm, gây áp lực cho việc tăng tổ chức, biên chế…

Nghiên cứu hợp nhất đơn vị tương đồng chức năng

Từ thực tế này, Chính phủ đã đề xuất hàng loạt giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Trong đó, nhấn mạnh đến nguyên tắc phân công quản lý Nhà nước “một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Chính phủ cũng cam kết từ nay sẽ chấm dứt tình trạng quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước.

Cùng với rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ cũng đưa ra giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ giao thoa, trùng lắp về quản lý Nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý. Quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó và các tiêu chí thành lập tổ chức Tổng cục, Cục, Vụ làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ… để giảm đầu mối, biên chế, lãnh đạo. Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm cấp trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực… Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau: 3 Văn phòng (Đoàn ĐB Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.

Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp và có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...); khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước. Dự kiến, sẽ thực hiện cơ chế khoán kinh phí đối với các tổ chức hội có sử dụng biên chế.

Số lượng biên chế công chức được khẳng định là giảm 3.000 người trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2016, nhưng biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp lại tăng thêm gần 123.000 người. Chính phủ nhấn mạnh, việc tăng biên chế sự nghiệp chỉ thực hiện đối với lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo trên cơ sở tăng số trường, lớp, học sinh, giường bệnh… và các bộ, ngành, địa phương không thể tự cân đối được trong tổng số biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.