Giảm đầu mối nhưng chưa tinh gọn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên mở rộng, thẩm tra báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết 56 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phải kiên quyết hơn trong giao biên chế

Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau khi có Nghị quyết 56, cơ bản các Bộ, cơ quan ngang Bộ không chuyển các Vụ thành Cục, Tổng cục. Tuy nhiên, một số cơ quan tăng tổng số phòng trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết. Trong các Nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ không quy định tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Một số đại biểu nêu vấn đề, dư luận hiện vẫn nóng với nhiều bức xúc về tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc”. Cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bởi đây là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, có nơi đã giảm biên chế theo Nghị quyết, có nơi vẫn làm đủ cách giữ lại biên chế để tổ chức thực hiện. Thời gian qua đã kiểm điểm, phê bình nhiều địa phương trong diện thi tuyển, bổ nhiệm cấp phó theo quy định.

Nhiều ý kiến đề nghị thời gian tới Bộ Nội vụ kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương, bộ, ngành. Chính phủ tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách bộ máy

Để bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn lớn trong xã hội, việc xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã” phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Việc quy định và áp dụng các tiêu chí không nên cứng nhắc. Bên cạnh các nguyên tắc chung về diện tích tự nhiên, dân số còn cần quan tâm đến các tiêu chuẩn “mềm” như mức độ đô thị hóa, số đơn vị hành chính trực thuộc, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Xác định các tiêu chí riêng phù hợp với từng đơn vị hành chính như về lịch sử, địa lý, dân cư, kinh tế, văn hóa…

Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ xem xét, cân nhắc, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định một số nội dung liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt là những tiêu chí gắn với các yếu tố đặc thù về lịch sử, địa lý tự nhiên, dân số khi tiến hành sắp xếp cũng như cách thức, trình tự, thủ tục lập dự án; về việc lấy ý kiến Nhân dân; việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức sau khi sáp nhập…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, vấn đề đặt ra không chỉ là sáp nhập, tinh giản bộ máy, biên chế… mà phải gắn với phát triển sản xuất, đời sống xã hội, dân cư và ổn định tình hình chính trị, cũng như gắn với lịch sử, đặc điểm, truyền thống... Đồng thời, cần khuyến khích tinh thần sáng tạo, chủ động của địa phương trong sáp nhập, vấn đề nào đã rõ thì thực hiện ngay, vấn đề chưa rõ thì cho thí điểm; chủ động tiến hành sắp xếp bộ máy, biên chế các cơ quan tổ chức, đơn vị mình theo tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.