Giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam: Giảm nỗi lo lây nhiễm trong cộng đồng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, Bộ Y tế đã xây dựng “Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam”. Với hướng dẫn mới này, vừa tạo thuận lợi cho hành khách nhập cảnh, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

35 ngày không có ca mắc trong cộng đồng

Tính đến sáng ngày 23/9, Việt Nam không có thêm ca nhiễm Covid-19, đánh dấu ngày thứ 22 cả nước không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Riêng TP Hồ Chí Minh, đã 53 ngày và ở Hà Nội cũng đã qua 35 ngày không có ca mắc mới. Hiện, Việt Nam đang có 20.872 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 355 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.932 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7.585 người. Việt Nam chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 15/9 và Campuchia, Lào (từ 22/9). Các chuyến bay có tần suất không quá hai chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).
 Hành khách khai báo y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Ngọc Tú
Nhận định về việc mở cửa đường bay quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 được dự đoán kéo dài tới 1 - 2 năm, Việt Nam cũng như mọi quốc gia phải chuẩn bị tâm thế để sống chung với dịch. Vì thế, khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế là việc tất yếu để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giai đoạn này, người vào Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, người đi công tác, chưa có khách du lịch, cũng không phải là những chuyến bay giải cứu, hồi hương từ những vùng có dịch. Đây phần lớn là những người khỏe mạnh, có trình độ, hiểu biết, có ý thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đã sẵn sàng mọi phương án ứng phó với các tình huống, siết chặt công tác phòng chống dịch một cách tốt nhất, bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, học tập…

Hiện nay, 6 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam cho phép nhập cảnh đều là những nước có tình hình dịch đã ổn định, không có nguy cơ cao.

Thay đổi quy định về cách ly

Theo hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế, đối tượng áp dụng là tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam làm việc trên 14 ngày. Nhóm này gồm: Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý DN, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần đăng ký cơ sở cách ly tập trung và lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam. Đồng thời, phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR/RT-LAMP… của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3 - 5 ngày. Tại cửa khẩu, người nhập cảnh sẽ được kiểm tra giấy xét nghiệm PCR, đo thân nhiệt, khai báo y tế điện tử, cài đặt ứng dụng truy vết. Người nhập cảnh cũng được bố trí khu vực riêng để lấy mẫu xét nghiệm nhanh, sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus hoặc phát hiện kháng nguyên. Trường hợp cho kết quả dương tính, sẽ đưa đi điều trị tại bệnh viện. Trường hợp âm tính hoặc kết quả xét nghiệm không rõ hoặc tại cửa khẩu chưa được làm xét nghiệm sẽ đưa về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký. Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ được điều trị ở bệnh viện. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được phép di chuyển về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày. Tại nơi lưu trú, cơ quan y tế địa phương thực hiện giám sát y tế theo quy định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19.

Kiểm soát chặt nguồn lây

Theo các chuyên gia y tế, việc mở cửa lại đường bay là tất yếu nhưng quan trọng cần tính toán việc kiểm soát không để nguồn bệnh lây ra ngoài. Điều này đòi hỏi sự liên hệ với các nước và có phương án theo dõi xét nghiệm phát hiện sớm.

Hiện đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit test nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng chỉ đạo mua kit test từ nước ngoài. PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trọng trách ngành y tế lúc này là làm sao xét nghiệm chính xác, điều này đòi hỏi sự chủ động và tính toán lâu dài thiết bị xét nghiệm. Với hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam đã rất thận trọng, vừa đáp ứng công tác phòng chống dịch, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để khách quốc tế đến Việt Nam được học tập, làm việc trong môi trường an toàn.

Còn theo PGS.TS Trần Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Việt Nam có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Đây là điều kiện để Việt Nam có thể đáp ứng với việc tăng số lượng xét nghiệm trong thời gian tới đây khi mở thêm nhiều đường bay quốc tế với tần suất chuyến tăng lên. Khi được kiểm soát chặt từ sân bay, và quy trình đón tiếp, xét nghiệm bài bản, khoa học, việc mở thêm đường bay quốc tế là điều không đáng ngại.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện tại lực lượng y tế làm việc tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vẫn làm việc hết công suất, thực hiện đầy đủ các bước phòng chống dịch theo quy định. “Về hướng dẫn mới của Bộ Y tế về việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, hiện chúng tôi đang chờ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội để triển khai” – ông Tuấn nói.

"Hiện nay, Hà Nội đang có 8 khách sạn thực hiện làm nơi cách ly tập trung cho khách chuyên gia nước ngoài, tổ bay gồm: Khách sạn Hòa Bình, Sofitel Metropol, InterContinental Hà Nội Westlake, Mường Thanh Grand Xa La (Hà Đông), Bình An 1, Bình An 2, Wyndham và Crowne Plaza West Hanoi.

Các khách sạn này có tổng cộng 915 phòng, tương đương 1.354 giường.

Sở Du lịch và Sở Y tế Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, kiểm tra. Qua đó cho thấy, các khách sạn đã thực hiện phân luồng đón, tiễn khách, nhân viên được trang bị bảo hộ, khách sạn thường xuyên được phun khử khuẩn đúng tiêu chuẩn, khu vực cách ly bảo đảm được trang bị đầy đủ thiết bị phòng dịch." - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng (Lê Nam ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần