Giám sát thực thi bảo vệ môi trường: Bảo đảm sự tham gia của người dân

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới. Đây là dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, đơn vị và người dân.

 PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng
Xung quanh những nội dung này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, một trong những thành viên tích cực của Nhóm hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe (gọi tắt là “nhóm JEH”).
Bà đánh giá thế nào về dự thảo Luật BVMT sửa đổi lần này?
- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT lần này được kỳ vọng khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan. Tạo nền tảng pháp lý để hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường; áp dụng đầy đủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ giá trị của môi trường phải chi trả”. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, đi đôi với tăng cường cải thiện, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường…
Vì vậy, tôi cho rằng, dự Luật BVMT sửa đổi cơ bản đáp ứng với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của ngành, lĩnh vực trong công tác quản lý, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống hiệu quả, tôi nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và cụ thể hóa một số nội dung, nhất là về sự tham gia của người dân vào quản lý, giám sát thực thi pháp luật về BVMT.
Trong dự Luật BVMT sửa đổi cũng đã quy định người dân có quyền được biết thông tin, được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Vậy, theo bà sự tham gia của người dân ở đây, cụ thể là như thế nào?
- Việc người dân tham gia trực tiếp vào quản lý và giám sát thực thi pháp luật là một trụ cột chính của thể chế quản trị công, đồng thời là biểu hiện cụ thể của dân chủ đã được ghi nhận tại Điều 28 của Hiến pháp năm 2013. Để thực hiện được quyền tham gia vào quản lý và giám sát thực thi pháp luật, công dân cần 3 điều kiện.
Thứ nhất là công khai, minh bạch thông tin quản lý và thực hiện quyền của công dân về tiếp cận thông tin. Thứ hai, tạo cơ chế được pháp luật quy định về cách thức cơ quan Nhà nước tiếp nhận thông tin từ sự tham gia quản lý và giám sát của người dân. Thứ ba là trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước trước các ý kiến tham gia của dân.
 Nhân viên vệ sinh môi trường dọn vệ sinh trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Chiến Công
Trong dự Luật BVMT sửa đổi cho tới thời điểm này đã có nhiều thay đổi phù hợp, đặc biệt là các quy định trong Chương XIII: "Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT" được chỉnh sửa, bổ sung và quy định mới. Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn chưa quy định về quyền tham gia trực tiếp của người dân mà chỉ quy định về quyền tham gia gián tiếp thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội thành viên hoặc mở rộng thêm tới các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Điều này khiến cho vấn đề liên quan trong thực tế vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, người dân muốn tham gia cũng không biết đưa ý kiến qua kênh nào, hình thức và quy trình như thế nào. Luật có liên quan là Luật MTTQ Việt Nam 2015 có một chương riêng quy định về chức năng phản biện và giám sát nhưng cũng không rõ cách thức người dân tham gia gián tiếp thông qua MTTQ.
Vậy theo bà, dự thảo Luật cần phải quy định thế nào mới đảm bảo được “sự tham gia của người dân”?
- Thứ nhất, để đảm bảo tính khách quan và toàn diện, cần quy định rõ người dân có thể trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình từ góp ý xây dựng đến giám sát thực thi pháp luật về BVMT. Thứ hai, cần có một mục riêng gồm các quy định về cơ chế đảm bảo quyền tham gia, giám sát trực tiếp của người dân đối với việc xây dựng và thực thi pháp luật về môi trường, bao gồm các yếu tố chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức thực hiện và chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ đảm bảo việc thực thi của quyền này.
Thứ ba, cần thể hiện rõ hơn vai trò tham gia, giám sát của các nhà khoa học độc lập và các tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực phòng chống các bệnh không lây nhiễm, BVMT, sức khỏe sinh thái đối với tiến trình xây dựng và thực thi pháp luật về môi trường.
Ngoài ý kiến trên, bà còn có đề xuất gì khác để góp ý vào dự thảo Luật này?
- Dự thảo mới dành riêng một mục về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Trong khi đó, các loại chất thải từ hoạt động công nghiệp lại đang gây ra những nguy hại cho sức khỏe con người hơn rất nhiều lần chất thải rắn sinh hoạt nhưng lại không được quy định riêng. Hơn nữa, những quy định hiện tại trong dự thảo về chất thải nguy hại cũng chưa thể hiện đúng tinh thần của nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Do đó, theo tôi, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm những quy định về phí BVMT để áp dụng đúng và đủ lên các hoạt động công nghiệp, đặc biệt là các hoạt động có xả các chất và phế thải nguy hại ra môi trường, không chỉ ngay trước mắt gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng lâu dài tới nhiều thế hệ sau (như phế thải chứa Amiang trắng và các bụi tro xỉ than … gây ung thư).
Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo thống kê, với 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp, 683 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, hơn 13.000 cơ sở y tế, hơn 5.400 làng nghề… đang hoạt động, đã phát sinh hàng triệu mét vuông nước thải mỗi ngày, khiến nhiều sông, hồ trên cả nước không còn khả năng tự làm sạch, trở thành nơi chứa nước thải.