Giảm thiểu cháy rừng mùa nắng nóng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng đang được lực lượng kiểm lâm Hà Nội phối hợp với chủ rừng, chính quyền 7 huyện, thị xã có rừng triển khai hiệu quả.

Phát hiện, chữa cháy rừng kịp thời

Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng khoảng 11.000ha, rừng phòng hộ hơn 5.800ha, rừng sản xuất là 10.325ha..., phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất.

Rừng ở Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, với các loại cây, như thông, keo, bạch đàn nên có thảm thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 20 vụ cháy rừng, trong đó có 14 vụ xảy ra tại huyện Sóc Sơn, 3 vụ cháy tại huyện Thạch Thất, 2 vụ tại huyện Ba Vì và 1 vụ tại huyện Mỹ Đức. Tổng diện tích bị cháy khoảng 35,64ha, chủ yếu cháy thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Lý giải về nguyên nhân gây cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, nguyên nhân được xác định là do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài. Một số địa phương như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất có các khu du lịch sinh thái tự phát, hằng ngày đón lượng lớn du khách ra vào rừng, bất cẩn sử dụng lửa, gây cháy rừng.

Điển hình tại huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 14 vụ cháy, ảnh hưởng đến 33,7ha rừng. Tuy nhiên, các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm và huy động lực lượng dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Để hạn chế cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn đã tham mưu UBND huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng dựa trên quan điểm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để.

Đồng thời, Hạt phối hợp với chính quyền các xã tổ chức ký cam kết phòng, chống cháy rừng và phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý.

Nhiều phương án bảo vệ rừng

Những năm qua, Hà Nội luôn xác định, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Do đó, TP đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm và UBND các huyện, thị xã có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng đến chính quyền các xã có rừng, chủ rừng, hộ gia đình, người dân sống trong rừng, ven rừng theo hình thức phù hợp.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã yêu cầu các huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã có rừng và chủ rừng bố trí lực lượng ứng trực tại những vị trí dễ xảy ra cháy rừng như nơi người qua lại nhiều, khu vực tổ chức lễ hội, di tích lịch sử trong rừng, nhằm hướng dẫn người dân, du khách cảnh giác khi sử dụng lửa, kịp thời xử lý khi phát hiện cháy rừng xảy ra.

Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bố trí lực lượng tổ chức trực phòng cháy rừng 24/24 giờ tại tất cả các trụ sở thuộc Chi cục được giao quản lý trong thời gian các tháng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Cùng với đó, thông tin dự báo cháy rừng hằng ngày, hằng tuần tại khu vực có nguy cơ cháy cao cho chính quyền các cấp và chủ rừng, lực lượng kiểm lâm chuyên ngành triển khai lực lượng chữa cháy kịp thời.

Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án bảo vệ rừng. Trong đó, chỉ đạo các hạt kiểm lâm củng cố lực lượng xung kích bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra canh gác, quản lý người ra vào rừng theo cấp dự báo cháy rừng; phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc dùng lửa trong rừng.

Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng kiểm lâm chuyên trách tiếp cận điểm cháy để chữa cháy kịp thời và vận động người dân xung quanh cùng tham gia chữa cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa nắng nóng năm 2023 ở Hà Nội.