Giảm thiểu tai nạn giao thông: Kiểm soát chặt đội ngũ lái xe

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến, nhưng TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là trình độ và ý thức của người lái xe chưa cao.
Tử thần sau vô lăng
Cũng giống như những ngành nghề khác, để thành công trong nghiệp tài xế, người làm nghề không thể thiếu đi cái tâm, cái đức. Bởi như người xưa đã nói: “Có đức, mặc sức mà ăn”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, thời gian qua, vẫn có tình trạng “học giả, bằng thật”, sử dụng rượu bia, thậm chí là ma túy... Với những người làm nghề lái xe, chỉ cần một chút sơ sẩy, một giây chủ quan, TNGT có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Điển hình như vụ TNGT khiến hơn 30 người tử vong tại cầu Serepok (Đắk Lắk) hồi giữa năm 2012. Theo cơ quan điều tra, lái xe gây tai nạn từng lĩnh án vì sử dụng ma túy. Điều đáng nói, không hiểu vì lý do gì, trong thời gian thụ án, lái xe vẫn đổi được Giấy phép lái xe để hành nghề sau khi mãn hạn tù.

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra hành chính lái xe taxi.  Ảnh:  Thanh Hải

Tiếp đó, vụ tai nạn nghiêm trọng làm 13 người chết, 33 người bị thương tại tại Km 1632+100 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Chư Sê (Gia Lai) đầu tháng 5/2017 cũng là một ví dụ điển hình về trình độ, đạo đức, sự chủ quan của người lái xe. Theo cơ quan điều tra tỉnh Gia Lai, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn do lái xe tải chạy quá tốc độ, chạy lấn làn nên đã đâm trực diện vào xe khách di chuyển theo hướng ngược lại…
Dẫu biết trong cuộc sống, đặc biệt đối với các vụ TNGT, không ai có thể nói trước, nói hay điều gì. Tuy nhiên, liên tiếp những vụ tai nạn xảy ra liên quan đến sự chấp hành các quy định của các lái xe đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng đào tạo, sát hạch, văn hóa của người lái xe.
Khó chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng nguyên nhân chính, đầu tiên xuất phát từ chính các lái xe, từ chính các DN vận tải. Bởi thực tế cho thấy, DN vận tải nào quan tâm đến việc đào tạo, quản lý, giám sát đội ngũ lái xe, xây dựng văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe, TNGT sẽ được kiềm chế. TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban ATGT Quốc gia cho rằng, mỗi DN vận tải nên cân nhắc xây dựng một bộ phận chuyên trách về ATGT, và bộ phận này sẽ xây dựng hồ sơ ATGT về các cung đường DN hoạt động, tập huấn các kỹ năng lái xe an toàn cho tài xế…
Theo TS Trần Hữu Minh, nếu chỉ trông chờ vào các DN thì rất khó để nâng cao trình độ, ý thức của người lái xe. Đơn cử, Nghị định 86 của Chính phủ quy định, các DN vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe và bố trí nhân viên theo dõi hoạt động của tài xế để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm. Tuy nhiên, thực tế từ những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vừa qua cũng như nhiều vụ TNGT trước đó cho thấy, phía DN, chủ xe đã không có sự can thiệp khi để tài xế điều khiển phương tiện chạy rất nhanh trong một khoảng thời gian dài trước khi gây tai nạn. Do đó, Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban ATGT Quốc gia cho rằng, không nên chỉ trông chờ vào sự tự giác của DN, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật của các DN vận tải, xử lý nghiêm các DN vi phạm.
Theo thống kê, số vụ TNGT đường bộ xảy ra do lái xe sử dụng chất ma túy chiếm tỷ lệ 14%. Lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn cao gấp 3 lần so với lái xe không sử dụng ma túy. Trong khi đó, nếu lái xe vừa uống rượu, vừa sử dụng ma túy thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 23 lần so với bình thường. Điều đáng nói, nếu xảy ra, đây đều là các vụ tai nạn thảm khốc.
Trưởng khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy (Học viện Cảnh sát Nhân dân) Bùi Minh Trung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần