Giảm thuế giá trị gia tăng: Chính sách tác động đa chiều đến nền kinh tế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một chính sách rất tốt, kịp thời, kích thích tiêu dùng, tác động đa chiều đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần phải cân đo, đong đếm để chính sách vừa phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách, không làm xáo trộn bức tranh ngân sách. Đây là chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Văn Được - Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty thuế Trọng Tín với Báo Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia Nguyễn Văn Được - Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Chuyên gia Nguyễn Văn Được - Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2023 đối với phần lớn nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Việc giảm thuế trực tiếp này sẽ có tác động thế nào đến đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

- Trước hết, tôi đánh giá rất cao chính sách giảm 2% thuế GTGT. Thực tế, chính sách này đã được thực hiện trong năm 2022 và phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế.

Đây là thuế gián thu cấu thành giá hàng hóa dịch vụ, do đó khi giảm thuế tức là giá hàng hóa dịch vụ sẽ được giảm xuống, người tiêu dùng trực tiếp hưởng lợi. Với một lượng tiền như trước đây, người dân được mua nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn.

Đối với DN, khi “cầu” tăng, sẽ giải phóng được hàng tồn kho lâu nay chưa bán được. Mặt khác, sẽ kích thích sản xuất, giúp nền kinh tế được lưu thông, giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội.

Nhờ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các DN tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn kinh doanh nhanh hơn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi kinh tế được phục hồi, thu thuế tăng, quá trình điều tiết vĩ mô của Nhà nước được hoàn thiện.

Thực tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước thu thuế xong rồi mới quay trở lại hỗ trợ người dân vô hình trung sẽ làm lộ trình hỗ trợ lâu hơn, mất chi phí thu thuế. Còn nếu giảm thuế trực tiếp trên hàng hóa thì người dân được hưởng lợi nhanh hơn, chính sách này đối với người dân là thiết thực, nhanh gọn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian giảm thuế chỉ áp dụng 6 tháng là quá ngắn và đối tượng giảm không áp dụng đồng loạt cho các nhóm hàng hóa là chưa tạo công bằng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế GTGT 6 tháng là phù hợp.

Qua tổng kết thực tiễn năm 2022 đã chứng minh được tính ưu việt của chính sách, nếu chính sách này được thực hiện sớm hơn, thời gian lâu hơn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, phải đặt trong bối cảnh ngân sách, nền kinh tế của chúng ta hiện nay việc giảm 6 tháng có phù hợp không?

- Bên cạnh đó, phải xuất phát từ quy định của pháp luật, khi Chính phủ giảm thuế không được làm thay đổi cán cân ngân sách, tức là việc duyệt chi ngân sách của Quốc hội.

Nếu giảm thuế quá lâu hoặc tất cả hàng hóa thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách - cán cân thu chi. Kéo theo nhiều thủ tục khác như thẩm tra lại, tính toán lại, Quốc hội phải điều chỉnh ngân sách.

Vì vậy, chúng ta cần phải cân đo, đong đếm để làm sao chính sách vừa phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách, để Nhà nước thực hiện các dự toán đã thực hiện trước, không làm xáo trộn bức tranh ngân sách.

Bên cạnh đó, việc loại trừ một số ngành hàng không được giảm thuế là phù hợp. Thực tế, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, một số hàng hóa dịch vụ vẫn đang được hưởng ưu thế vượt trội so với các hàng hóa, dịch vụ khác, như ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, một số hàng hóa đang dùng tài nguyên như bất động sản, tài nguyên khoáng sản…

Ngoài ra, trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn hiện nay, nếu giảm toàn bộ hàng hóa dịch vụ sẽ ảnh hưởng tới bối cảnh thu chi ngân sách Nhà nước. Khi ngân sách thâm hụt sẽ không có điều kiện hỗ trợ DN đang gặp khó khăn. Phải cân đối chính sách để hài hòa lợi ích người dân, DN, cán cân ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, việc loại trừ một số nhóm hàng để bảo đảm tính công bằng, bảo đảm điều tiết vĩ mô, quản lý thu chi của Nhà nước.

Hài hòa lợi ích, bảo đảm cân đối thu chi

Theo tính toán, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm khoảng 24.000 tỷ đồng. Vậy, Chính phủ cần có giải pháp gì để giảm thiểu những tác động bất lợi đến tiến độ và kết quả thu ngân sách trong bối cảnh nhiều nguồn thu đang có sự sụt giảm, thưa ông?

- Rõ ràng, giảm thuế đồng nghĩa với thu ngân sách sẽ phải giảm, tuy nhiên chúng ta không nên bi quan. Bởi vì thu ngân sách chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, còn về mặt trung và dài hạn đây là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.

Giảm thuế xuống thực chất là hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Nếu DN không bị thoái lui khỏi thị trường, có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của DN được quay trở lại thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước cần phải chia sẻ với DN, để khoan sức dân, để DN có điều kiện phục hồi.

Về mặt điều tiết vĩ mô, tác động tới nền kinh tế, chính sách tác động nhanh gọn, thuận tiện hơn. Bởi tính ưu việt của chính sách này tác động đa chiều đến nền kinh tế, làm nền kinh tế phục hồi. Đặc biệt, khi giảm thuế sẽ làm cầu tăng lên, kích cầu hàng hóa lưu thông nhiều hơn, khi đó Nhà nước sẽ thu được thuế GTGT từ lượng hàng hóa dịch vụ tăng lên để bù đắp cho 2% bị thâm hụt.

Theo báo cáo, việc thặng dư từ vượt thu ngân sách quý I/2023 cũng tương đương với khoản từ nay tới cuối năm bị hụt thu do giảm 2% GTGT. Như vậy, trước mắt phần ngân sách Nhà nước bù trừ này là cơ sở để thực hiện chính sách giảm GTGT 2% càng sớm càng tốt.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính cũng như các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Từ kinh nghiệm của lần giảm 2% thuế GTGT trong năm trước, theo ông, cần lưu ý những gì để việc thực hiện chính sách lần này thực sự hiệu quả?

- Trong năm 2022, việc ban hành chính sách ở trong bối cảnh cấp bách, thời sự, nên Nghị định ban hành ra phải thực thi ngay, không dự liệu được các trường hợp cụ thể trong quá trình thực hiện, nên trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc.

Ví dụ như DN không biết hàng hóa của mình có trong nhóm đối tượng được giảm không. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, công nghệ của cơ quan Nhà nước, DN, đặc biệt là các DN cung cấp dịch vụ hóa đơn chưa được đầu tư tương thích, nên có tình trạng trục trặc, vướng mắc.

Trong khi đó, Nghị định 15 chỉ giao cho Chính phủ là người hướng dẫn vướng mắc, nên khi xảy ra khó khăn, ngành thuế chỉ hướng dẫn được trong khuôn khổ của Nghị định. Bản thân DN, còn chưa chủ động tiếp cận chính sách.

Thực tế Nghị định 15 được ban hành rất khoa học, dựa trên nền tảng quy định của các quy định pháp luật. Nhưng trong quá trình thực hiện chủ yếu là do các kế toán viên, họ chỉ xem hàng hóa của DN được giảm thuế hay không giảm thuế.

 

Theo tính toán, dự kiến việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng. Việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách Nhà nước đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và DN. Đó là một chính sách rất tốt, ổn định lòng dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.
Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Văn Được

 

Mà người kế toán viên chỉ hiểu pháp luật về kế toán chuyên sâu, không am hiểu về quy định về luật đầu tư, luật DN, mã ngành kinh tế… nên khi ứng dụng vào đó gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để chính sách hỗ trợ phát huy tối đa hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, Nghị định 15 cần được hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê cần xác định mã ngành nào ở ranh giới được giảm và không được giảm. Nghị định lần này cũng cần có một khoảng mở để giao cho Bộ Tài chính, Cục thuế hướng dẫn chi tiết cho người dân, DN, nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc.

Đối với DN, do quy định của chính sách năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2022, nên các DN cần chủ động nghiên cứu tiếp cận để hiểu thấu đáo hơn. Đặc biệt về KH&CN, các phần mềm, mặc dù đã chuẩn bị rồi nhưng các DN cũng cần chủ động hoàn thiện để xuất hóa đơn.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!