Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Giảm trừ rác thải nhựa, túi nilon để bảo vệ môi trường] Bài 2: Cần các biện pháp quản lý quyết liệt

Nguyễn Văn Công - Văn Phú, Thường Tín, TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam hiện xếp thứ 5 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải xả ra đại dương mỗi năm.

Đứng trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn rác thải nhựa. Cứu lấy Mẹ Trái đất chính là cứu lấy chính sự tồn tại của loài người.

Biện pháp từ đầu nguồn

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nền kinh tế số khiến người ta không mấy để ý đến những hệ lụy tác động tới môi trường, cho dù đã có không ít cảnh báo. Các DN vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, người tiêu dùng để cho phần bản năng – dục dã tự do mà không có sự kiểm soát của ý thức, còn môi trường là vấn đề của xã hội của thời gian.
 Thu gom rác thải nhựa, túi nilon. Ảnh: Lam Thanh
Nguồn gốc của rác thải nhựa là polymer, để polymer có thể phân hủy thì phải mất vài trăm năm, thậm chí lâu hơn, muốn nhanh nhà sản xuất nhựa phải thêm vào chất phụ gia. Theo các nhà khoa học, chất phụ gia C2H4 (Etilen) sẽ tác động để polymer phân hủy nhanh trong vòng 2 năm bất kỳ trong môi trường không có ánh sáng hay môi trường nước. Tuy vậy hiện nay chưa có quy định cụ thể nào tới các nhà sản xuất nhựa, túi nilon về việc này. Việc thêm chất phụ gia chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí sản phẩm, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm khiến các DN đều phải cân nhắc. Đồng thời, chưa có quy định nào về sản xuất xanh trong DN, tức là DN phải đưa ra thị trường sản phẩm ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì cần thân thiện với môi trường, thiết bị đi kèm dễ tái chế. Tỉ lệ tái chế rác thải ở nước ta nói chung và ở Hà Nội nói riêng đang ở mức khá thấp, khoảng 10% tổng số chất thải. Phương pháp xử lý rác chủ yếu vẫn là đốt hoặc chôn cơ học, gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất. Hơn nữa, về lâu dài các bãi rác sẽ quá tải như ở bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hiện nay.

Hiện nay, mức thuế môi trường đối với túi nilon chỉ từ 40 - 50.000 đồng/kg. Mức thuế như vậy khá thấp, chưa đủ sức thuyết phục người dân từ bỏ túi nilon, rác thải nhựa. Đồng thời, các cơ quan quản lý thông tin cần quản lý chặt hình ảnh túi nilon, rác thải nhựa dùng một lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không khuyến khích tặng sản phẩm liên quan đến rác thải nhựa.

Kinh tế tuần hoàn tại các làng nghề

Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công nhất cả nước, đặc biệt ở khu vực ngoại thành. Các làng nghề thủ công hàng ngày thải ra một lượng chất thải rắn rất lớn, ngoài ra còn bụi, tiếng ồn… gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Bên cạnh đó, tình trạng tồn đọng rác thải ở khu vực nông thôn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không nhỏ ở nhiều khu vực của Hà Nội. Nguyên nhân là do các huyện chưa hình thành được mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp. Có nơi tập kết gần đường nhưng lại đông người qua lại, có nơi tập kết xa khu dân cư nhưng xe tải vào khó, và hầu như không có sự phân loại rác đầu nguồn. Một số làng nghề thu gom phế liệu từ lâu đời như phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm hay làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì được coi là điều kiện quan trọng trong kinh tế tuần hoàn. Các đồ nhựa, vỏ chai, nilon, bao tải, giấy được tái chế, tuy vậy công nghệ tái chế thô lại sản sinh ra lượng rác thải khác xả ra môi trường nước khiến mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được triệt để. Thậm chí, có nơi dùng các loại hóa chất mạnh để thau rửa rác, hóa chất sau đó được thải ra các kênh, mương, lâu dần ngấm vào mạch nước ngầm

Theo TS.Nguyễn Thế Kiên, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ở các làng nghề khái niệm kinh tế tuần hoàn còn khá mới. Tuy nhiên đây là hướng đi cho phát triển bền vững, cần kịp thời có các biện pháp đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ở các làng nghề để giảm lượng rác thải ra môi trường.

(còn nữa)

Theo số liệu Bộ Tài chính công bố thì số tiền thu thuế BVMT từ túi nilon là rất hạn chế. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT trong những năm qua như sau: Năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 19,1 tỷ đồng. Trong khi đó, số thu thuế BVMT đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ khiến nhiều người băn khoăn, phải chăng đang có hiện tượng thất thoát nghiêm trọng trong việc thu thuế BVMT với túi nilon.