Gian nan chống gian lận chuyển giá - Bài 3: Tăng chế tài để hạn chế vi phạm

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dữ liệu thông tin còn hạn chế, không đủ căn cứ pháp lý khi sử dụng, các ứng dụng về thông tin người nộp thuế còn phân tán không đầy đủ, không có sự kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý, thiếu các cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác ấn định thuế có tính chất hệ thống và căn cứ pháp lý…

Bài 1: Xử lý chuyển giá thu nghìn tỷ đồng

Bài 2: Lật tẩy các hành vi trốn thuế

Đây là những hạn chế cần khắc phục sớm trong việc hạn chế chuyển giá thời gian tới.

Lấp “lỗ hổng” của Luật Thuế

Theo đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh, việc xử lý tình trạng chuyển giá, nhất là đối với những DN FDI hiện nay gặp khó khăn, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Đơn cử như giao dịch liên kết có cả chuyển giá đầu vào và chuyển giá đầu ra. Việc xác định giá giao dịch độc lập của các bên có giao dịch liên kết rất khó khăn vì không có sản phẩm đồng loại để đối chiếu.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Các bất cập từ thực tiễn chống chuyển giá, áp dụng quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC trước đây đã được bổ sung bằng Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Thông tư số 201/2013/TT-BTC, nhằm hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA).

Nhưng APA mới chỉ giới hạn ở các giao dịch mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. DN nộp thuế có thể gộp chung nhiều giao dịch có tính chất phụ thuộc lẫn nhau thành giao dịch tổng thể để phản ánh tính khách quan phù hợp với thực tiễn, thông lệ kinh doanh tương ứng với chức năng, tài sản và rủi ro kinh doanh liên quan đến nghĩa vụ thuế theo kỳ khai thuế. Chính vì thế nếu chỉ dựa vào APA vẫn chưa tạo hiệu quả cao.

Chống chuyển giá bằng phối hợp liên ngành

Theo Luật sư Đàm Bảo Hoàng (Trưởng văn phòng Luật sư Đàm Bảo Hoàng), việc chống chuyển giá không có nghĩa là sẽ chụp mũ tất cả, nhất là liên quan đến các DN FDI. Vì thế, cơ quan chức năng cần có thông tin vi phạm chính xác để xử lý, tránh tác động xấu đến tâm lý của các DN FDI khác. Chuyện chuyển giá là tất yếu. Cho nên, việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận này phải có sự phối hợp liên ngành, giữa các bộ: Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp và Công an.

Hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở và thường có độ trễ so với tình hình phát triển kinh tế. Nguyên tắc của cơ chế quản lý thuế của nước ta hiện nay là các DN hiện nay tự tính, tự khai, tự nộp thuế còn cơ quan thuế có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách thuế, hỗ trợ DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Hậu quả của chuyển giá là làm “méo mó” việc quản lý thuế của Nhà nước.

Luật sư Đàm Bảo Hoàng cho biết thêm, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017, mang đến kỳ vọng lớn trong việc chống chuyển giá DN hiệu quả. Nghị định này quy định khá đầy đủ về các bên có quan hệ liên kết với nhau (nắm giữ cổ phần, vốn góp), cấm bảo lãnh DN hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, hai DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo, DN được điều hành bởi các thành viên có quan hệ gia đình với nhau, DN chịu sự kiểm soát quyết định của DN khác.

Ngoài ra, Nghị định này đã quy định chi tiết về các bên có mối quan hệ liên kết; về phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết; các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết; Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính…

Sắp tới, Tổng Cục thuế sẽ đưa vào “tầm ngắm” những DN có các biểu hiện thiếu minh bạch như: DN FDI có quan hệ với công ty mẹ ở nước ngoài; DN FDI mua nguyên liệu trực tiếp của công ty mẹ, sau đó bán sản phẩm cho công ty mẹ; DN FDI đầu tư vào Việt Nam mà có cơ cấu cả vốn vay và vốn chủ sở hữu; DN FDI có giấy phép sản xuất độc quyền của công ty mẹ (không phải trả chi phí công nghệ, chi phí bản quyền); DN FDI có giao dịch liên quan đến sản phẩm trí tuệ; DN FDI có trụ sở tại “thiên đường” thuế đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc quản lý của Nhà nước trong phòng, chống chuyển giá trốn thuế cần hội đủ nhiều yếu tố như: Nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm của cán bộ, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan, kho dữ liệu thông tin liên thông với thị trường trong nước với các nước trên thế giới… Có như vậy mới ngăn chặn kịp thời các hành vi chuyển giá.

Lãnh đạo Tổng Cục thuế cho biết, thời gian tới ngành thuế cũng tăng cường quản trị nội bộ như kiểm tra, giám sát và xử lý các cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ.