Gian nan “con đường” biến rác thành “vàng”

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Là thị trường đông dân với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhanh của chúng ta ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Đáng nói, thói quen tiêu dùng này đang vô tình tạo ra hệ quả là quá nhiều rác thải nhựa dùng một lần.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Ngành công nghiệp tái chế ra đời được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng rác thải ra ngoài môi trường.

Thói quen tiêu dùng nhanh đôi khi vô tình để lại những hệ lụy cho môi trường
Thói quen tiêu dùng nhanh đôi khi vô tình để lại những hệ lụy cho môi trường

Để chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, đó là quá trình thay đổi tư duy và cả hành vi tiêu dùng. TS Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng Bộ môn Kinh tế tuần hoàn, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn cần 3 trụ cột: thể chế, kỹ thuật và nhận thức của người dân.

“Chúng ta cần lộ trình để hướng tới kinh tế tuần hoàn, xác định vai trò của các bên liên quan, đặt ra các mục tiêu định hướng cho toàn quốc gia, không chỉ riêng doanh nghiệp; Điều kiện về mặt kỹ thuật, công nghệ là tất yếu và thực ra trên thế giới không thiếu” – TS Nguyễn Hoàng Nam nói, đồng thời cho rằng, trong 3 trụ cột này, quan trọng nhất là nhận thức của người dân.

“Khi có “cầu” thị trường sẽ thúc đẩy “cung”, nghĩa là người dân biết để yêu cầu sản phẩm đó. Ví dụ tôi không sử dụng ống hút nhựa, túi ni lông nữa thì sẽ có sản phẩm thay thế nào? Các doanh nghiệp sẽ lao vào các sản phẩm thay thế đó để đáp ứng nhu cầu. Nếu không có nhu cầu mà doanh nghiệp lao vào là khó khăn ngay vì không bán được” – ông Nam phân tích.

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa càng cao, dẫn đến quá nhiều rác thải nhựa dùng một lần. Tỉ lệ tái chế 10% đã gây ra áp lực rất lớn cho môi trường. Vì vậy, tái chế nhựa đang là công việc có nhiều tiềm năng để phát triển được. Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng muốn phát triển ngành tái chế cần chính sách thông minh cho ngành và thị trường.

Chính sách EPR được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Chính sách EPR được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

“Tính bền vững cho thị trường cũng cần phải quan tâm chứ không bấp bênh như hiện nay. Nếu làm được như vậy ngành tái chế sẽ phát triển, nhựa sẽ được thu gom triệt để” – ông Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận.

Ngoài yếu tố thị trường, theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu hạ tầng và công nghệ. Việc thu gom, phân loại và xử lý nhựa đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các trung tâm tái chế và thiếu công nghệ hiện đại.

Điều này dẫn đến việc nhiều nhựa vẫn được đưa vào các bãi rác và đất trống, gây ô nhiễm môi trường và mất cơ hội tái chế. Để giải quyết vấn đề này, cần đầu tư vào hạ tầng và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành tái chế nhựa.

Ông Hoàng Quốc Vượng phân tích, việc tái chế nhựa ở nước ta phần lớn phụ thuộc vào nhưng người thu mua đồng nát, phế liệu. Đây là nguồn đầu vào bấp bênh, rẻ và chất lượng rác cũng thấp. Đó là lý do chất lượng hạt nhựa khó cạnh tranh và “ngành tái chế 40 năm của nước ta vẫn như một đứa trẻ” - ông Hoàng Quốc Vượng nói:

Ngoài ra, sự hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ cũng là yếu tố quan trọng để phát triển ngành tái chế nhựa. Nghị định 08 ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Môi trường năm 2020 có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tức người gây ô nhiễm phải trả phí. Trong đó có các doanh nghiệp bao bì, họ sẽ phải lựa chọn một trong hai hình thức là tái chế bao bì của mình hoặc đóng góp tài chính vào Qũy bảo vệ môi trường. Đây chính là đà cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

“Chúng ta đã đưa vào luật được 3 vấn đề rất quan trọng, thứ nhất là định hướng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, thứ hai là quy định phân loại 3 thùng rác tại hộ gia đình là tái chế, hữu cơ và rác khác, lần đầu tiên đưa vào luật vấn đề này. Và cái thứ ba là chìa khóa mở ra ngành tái chế là chính sách EPR. Vì chúng ta có chính sách EPR thì các nhãn hàng, nhà sản xuất cùng đóng góp vào và cùng tham gia thu gom tái chế. Nếu doanh nghiệp nào không tự thu gom tái chế thì có thể thuê các công ty tái chế” – ông Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Các nước trên thế giới đã thành công trong việc tái chế nhựa và Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình này. Ví dụ, Đức đã đạt được tỷ lệ tái chế nhựa lên đến 56%, nhờ vào việc áp dụng các chính sách khuyến khích và đầu tư vào công nghệ tái chế. Trong khi đó, Nhật Bản đã phát triển một hệ thống thu gom và tái chế nhựa hiệu quả, giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa và tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế cho các ngành công nghiệp khác.

Chúng ta muốn kết thúc việc vứt bỏ. Những cái chúng ta bỏ đi chỉ đơn giản là ta chưa tìm được cách sử dụng nó. Ta hoàn toàn có thể tái sử dụng chúng, đặc biệt là nhựa. Thực ra, nhựa có giá trị rất cao, nó bền, nó mang lại sức mạnh cho xã hội” - TS Micheal Parsons - Cố vấn chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm.

Được biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể.

Trong đó, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt và triển khai từ năm 2020, do Cục Biển và Hải đảo phối hợp với WWF thực hiện tại 10 khu vực ở 9 tỉnh, đã và đang được cộng đồng ghi nhận là tạo được hiệu ứng lan tỏa, không chỉ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên  mà còn góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, trong đó góp phần thúc đẩy nhận thức và thực hiện chính sách EPR mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định.