Gian nan xử lý xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, tình trạng xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè đã được xác định một trong những “thủ phạm” khiến vỉa hè nhiều khu vực xuống cấp, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, gây khó khăn cho việc di chuyển của người đi bộ.

Dù đã được “chỉ mặt, đặt tên”, song đến nay, việc xử lý các hành vi này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều hệ lụy

Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người đi bộ, tạo mỹ quan đô thị, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tục tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trong đó có hành vi dừng, đỗ phương tiện trên vỉa hè.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm đỗ xe trên vỉa hè tại quận Cầu Giấy.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm đỗ xe trên vỉa hè tại quận Cầu Giấy.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số tuyến đường trên địa bàn TP như Lê Văn Lương, Yên Lãng, Hào Nam… tình trạng xe ô tô chiếm dụng toàn bộ hoặc một phần vỉa hè làm nơi dừng, đỗ diễn ra khá phổ biến.

Sự tồn tại của những hành vi vi phạm này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan, trật tự đô thị, việc đi lại của người dân, đặc biệt tuổi thọ của vỉa hè, vật liệu lát vỉa hè. Bởi, theo Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/2/2008, hè hay vỉa hè, hè phố là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến đường.

Việc dừng, đỗ xe ô tô trên vỉa hè không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền của các tuyến vỉa hè – những hạng mục mà TP Hà Nội đã đầu tư rất nhiều kinh phí nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) bức xúc cho biết, phố Lê Văn Lương được đầu tư xây dựng vỉa hè khá rộng rãi nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Song, việc các phương tiện dừng, đỗ sai quy định trong một thời gian dài, không được xử lý dứt điểm đã khiến không gian đi bộ của người dân bị thu hẹp.

Cần thống nhất các quy định

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Công an phường Trung Hòa, Trung tá Chu Đình Cường cho biết, công tác xử lý xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè hiện đang là vấn đề khó không chỉ riêng đối với phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy mà là vấn đề chung trên toàn TP.

Theo lý giải của lãnh đạo Công an phường Trung Hòa, mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định song như thế nào là “trái quy định”, luật lại không quy định rõ.

Tiếp đó, tại Điều 9, Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/2/2008 quy định về sử dụng hè phố vào việc để xe có nội dung phải đảm bảo không gây cản trở giao thông của người đi bộ, bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m và phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo mỹ quan đô thị…

Tuy nhiên, đây chỉ là quy định đối với các khu vực sử dụng hè phố làm nơi trông giữ phương tiện của tổ chức, cá nhân. Từ đó, một số trường hợp khi bị kiểm tra, xử lý đã cố tình hiểu sai, bắt bẻ câu chữ để chống đối các lực lượng chức năng.

Đồng quan điểm trên, Thiếu tá Vũ Hữu Thái – Phó Trưởng Công an phường Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ, sự thiếu thống nhất giữa các quy định đã khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự đô thị của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, Trung tá Vũ Hữu Thái đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ việc dừng, đỗ phương tiện trên vỉa hè như thế nào là “trái quy định của pháp luật”. Đồng thời, xem xét cấm xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè tại tất cả các tuyến đường (trừ các trường hợp được cấp phép theo quy định), để đảm bảo mỹ quan đô thị, nhu cầu đi lại của người dân.