Giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Nguyễn Thanh Hoa - Thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vỉa hè là phần đường dành riêng cho người đi bộ. Tuy nhiên, tại các đô thị đang phát triển như Việt Nam, vỉa hè dường như đang là “đường ưu tiên” của xe máy.

Cuộc chiến giành lại không gian đi bộ thuần túy trở nên khó hơn bao giờ hết khi mới đây một vị Phó Chủ tịch UBND cấp quận tại TP Hồ Chí Minh nộp đơn xin từ chức, với lý do “không lập lại được trật tự vỉa hè”.
Nhờn luật, thiếu ý thức

Đường giao thông thường được phân chia làn rõ ràng, làn cho ô tô, làn cho xe máy, xe đạp và đặc biệt - vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện trên lý thuyết, còn thực tế đối nghịch hoàn toàn. Hà Nội là một đô thị đông dân cư với sức nóng cao khi mật độ số dân quá lớn tại trung tâm. Điều này kéo theo phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng, tình trạng tắc đường vì thế là một vấn nạn của Thủ đô. Giờ tan tầm, ào ào ô tô, xe máy đổ ra đường. Trong khi diện tích mặt đường có hạn, dẫn đến nhiều xe máy phi lên vỉa hè - nơi dành cho người đi bộ.

Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.Ảnh: Phạm Hùng

Tiếng bấm còi inh ỏi, giành nhau từng khoảng trống trên đường làm không ít người đi bộ hoảng sợ. Họ phải lách qua từng xe máy nhỏ mà đi, điển hình tại các giao lộ Cầu Giấy – Xuân Thủy, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Trần Quốc Hoàn… đâu đâu xe máy có thể lách được là lách lên.

Hầu như tất cả mọi người tham gia giao thông đều nhận thức được việc sử dụng các phương tiện cá nhân trên vỉa hè là sai. Song, vì vội vã, nên đều tặc lưỡi bỏ qua. Tại các nước phát triển, việc xe cá nhân chiếm vỉa hè người đi bộ hầu như không có. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Vậy nhưng, tại Việt Nam mới chỉ có quy định phạt việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh chứ chưa có quy định phạt xe máy vượt lên vỉa hè để đi.

Không chỉ xe cá nhân mới lấn chiếm vỉa hè mà các hộ kinh doanh mặt đường cũng ngang nhiên coi vỉa hè là phần đất “nghiễm nhiên” được sử dụng để buôn bán, để vật liệu, để xe cộ. Điều này không chỉ làm người đi bộ mất không gian an toàn mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Phải quyết liệt hơn

Nguyên nhân của việc xe máy "chiếm" vỉa hè xuất phát từ cả khách quan lẫn chủ quan. Đối với tình trạng xe máy tràn lên không gian của người đi bộ đã đến lúc cần suy nghĩ một khung phạt cụ thể. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà chủ lực là xe buýt. Việc giành lại vỉa hè không chỉ có ý nghĩa đảm bảo sự an toàn của người đi bộ mà còn là điều kiện cần để người dân tiếp cận xe buýt được dễ dàng. Ngoài ra cần bố trí lực lượng chức năng phân làn, điều tiết giao thông trước giờ tan sở ít nhất 30 phút.

Các biện pháp trước mắt mang tính cưỡng chế đó là giao cho UBND xã, phường quản lý chặt vỉa hè trên địa bàn, bất kỳ hành vi lấn chiếm, mái che, mái vẩy, trông xe trái quy định đều phải dẹp bỏ. Cần quy định Chủ tịch phường phải đích thân đi rà soát trên vỉa hè địa bàn mình, nếu như hộ kinh doanh nào vi phạm cần xử phạt hành chính thật nặng. Đồng thời xử lý triệt để vấn nạn "bảo kê" vỉa hè đã từng được báo chí nêu. Ngoài ra, tại một số tuyến phố sạch đẹp, không gian đi bộ lớn, nhiều công trình văn hóa cần lập hàng rào dây xích để ngăn chặn xe cá nhân lao lên như các đoạn đường quanh Văn Miếu, quanh các trường quân đội, công an, các cơ quan Nhà nước. Việc ngăn chặn xe lên vỉa hè còn tác động tới việc làm giảm xe cá nhân, từ đó sẽ ý thức chuyển dần sang đi xe buýt, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm dần dần.

Cuộc chiến giành lại vỉa hè cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Chúng ta đã từng rất mạnh mẽ khi mới bắt đầu nhưng nhanh chóng xẹp xuống. Vì lẽ đó, phải gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, khi đó, pháp luật mới được thực thi nghiêm chỉnh.