Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội, TS Trần Thế Cương:

Giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, ngành giáo dục Hà Nội liên tiếp gặt hái được những thành quả rực rỡ. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về những vấn đề trọng tâm của ngành để giáo dục Thủ đô thời gian tới.

Tự hào về kết quả toàn diện

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, TS Trần Thế Cương
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, TS Trần Thế Cương

Thưa ông, Hà Nội vừa tổng kết 15 năm mở rộng địa giới hành chính và 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 15 năm qua, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được những thành tựu cơ bản gì?

- 15 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và sự quyết tâm của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện về chất ở các cấp học, ngành học.

Quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành giáo dục được mở rộng và không ngừng phát triển. Năm học 2023 - 2024, TP Hà Nội có 2.875 trường mầm non, phổ thông; gần 2,3 triệu học sinh; khoảng 124.000 giáo viên. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP là 72,7%. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua 5 Nghị quyết, trong đó có những cơ chế, chính sách, nội dung mới về giáo dục.

Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn tiếp tục được chú trọng. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, TP đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh Thủ đô dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 nâng 16 bậc, đạt 99,56%; tổ chức thành công 6 kỳ thi (Kỳ thi lớp 10 THPT công lập, Kỳ thi lớp 10 THPT chuyên, Kỳ thi lớp 10 THPT song bằng, Kỳ thi lớp 6 Trường THPT Amsterdam, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị giáo dục công lập TP Hà Nội).

Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét và rất nhiều thành tích khác. Những kết quả trên khẳng định sự cố gắng, quyết tâm phấn đấu của ngành GD&ĐT Thủ đô trong việc nỗ lực cố gắng phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Theo ông, đâu là điểm nhấn, điểm mới của ngành giáo dục Thủ đô những năm gần đây?

- Trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục cũng như quản lý Nhà nước về giáo dục. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC).

Giờ học cô và trò Trường THCS Ngô Quyền, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Giờ học cô và trò Trường THCS Ngô Quyền, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải

IOC phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn TP. Từ trung tâm này, toàn ngành GD&ĐT đã thực hiện quản lý trường học tới 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên nền tảng cơ sở dữ liệu của ngành GD&ĐT.

Năm 2023, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thành công Liên hoan ban nhạc THPT, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà trường cùng đông đảo học sinh. Nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong học sinh, năm 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức Liên hoan hợp xướng học sinh THPT lần thứ I.

Sáng tạo các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Để tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu, Sở GD&ĐT có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, thưa ông?

- HĐND TP đã thông qua Nghị quyết ký hợp đồng với 3.112 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS và tuyển dụng 608 giáo viên giảng dạy tại các trường trực thuộc Sở. Theo phân cấp quản lý, các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức ký hợp đồng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và THCS theo quy định.

Bên cạnh đó, mô hình “Ngân hàng giáo viên” cũng được thực hiện và đẩy mạnh ở nhiều đơn vị cơ sở. Tại đó sẽ tập hợp những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm của các nhà trường; sẵn sàng hỗ trợ các trường học trên địa bàn để tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội duy trì hoạt động thi giáo viên giỏi, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện tiết dạy mẫu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến… để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành giáo dục Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Ông kỳ vọng phong trào sẽ mang lại điều gì cho nhà trường, thầy cô và học sinh?

- Theo Kế hoạch số 4340/KH-SGDĐT ngày 12/12/2022, ngành giáo dục Hà Nội thực hiện phong trào “Nhà trường chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025. Tuy thực hiện chưa được một năm nhưng phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tại các cơ sở giáo dục. Rất nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên các trường trên từng địa bàn, giữa các địa bàn trên toàn TP được chia sẻ, lan tỏa, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, các nghĩa cử cao đẹp như giáo viên giúp đỡ, kèm cặp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... cũng được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa rất lớn.

Kết quả sơ kết chương trình cho thấy, nhiều đơn vị nhà trường đã tăng cường kết nghĩa, giao lưu chuyên môn; đẩy mạnh gắn kết để giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mới, góp phần thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các nhà trường, vùng miền trên toàn TP. Đây là cơ sở vững chắc để Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh phong trào này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!