Giáo dục mầm non Hà Nội: Thẳng thắn nhìn vào hạn chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm (2011 - 2015) thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội", giáo dục mầm non (GDMN) Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng dạy và học bậc học này.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần cơ chế đặc thù cho quận, huyện khó khăn để giảm khoảng cách GDMN giữa các vùng, miền.

Rút ngắn khoảng cách

Phải thừa nhận, trước khi thực hiện Đề án, khoảng cách về cơ sở vật chất, trình độ của đội ngũ cán bộ giáo viên giữa các vùng miền rất rõ rệt. Năm 2009, Hà Nội còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập; các trường công lập còn 2.037 điểm lẻ; phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm trên 34%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khu vực ngoại thành ở ngưỡng 18%. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn chỉ có 9,7%. Thế nên 5 năm thực hiện Đề án, Hà Nội vừa phấn đấu về tiến độ thực hiện các mục tiêu trong điều kiện quy mô mạng lưới cấp học phát triển nhanh, vừa nâng độ đồng đều, bảo đảm sự công bằng và nâng cao chất lượng GDMN. Hiện tại, Hà Nội đã có 1.003 trường mầm non/2.644 điểm trường (tăng 213 trường); 733 trường công lập với 1.627 điểm trường; 270 trường tư thục với 287 điểm trường; tăng trên 6.000 nhóm lớp. Tổng số trẻ ra lớp là trên 515.000 em... 
Giờ ra chơi các cháu trường mầm non Bình Minh.  Ảnh  Duy Khánh
Giờ ra chơi các cháu trường mầm non Bình Minh.  Ảnh  Duy Khánh
 Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phấn khởi cho biết, tỷ lệ huy động trẻ ăn bán trú tăng nhanh, đặc biệt là khu vực ngoại thành đã đạt 97%. Các quận, huyện đã tập trung thực hiện và đầu tư điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập về huy động trẻ 5 tuổi đến trường; đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên. 100% các trường bán công được chuyển sang công lập; khoảng cách về chất lượng giữa các vùng miền được rút ngắn; cơ bản các mục tiêu của Đề án đều đạt, vượt kế hoạch đề ra.

Cần cơ chế đặc thù
Hà Nội tiếp tục củng cố quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Đặc biệt, phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư để bảo đảm đến năm 2020 có đủ trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT 

Nguyễn Thị Minh Nghĩa

Nhìn bức tranh tổng thể của GDMN Hà Nội có thể khẳng định, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm... Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở một số trường mầm non quận, huyện vẫn manh mún, nhiều điểm lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Nga không giấu, do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, hàng năm tăng khoảng 25.000 - 30.000 trẻ, dù đã xóa được 6 phường "trắng trường mầm non", số trường mầm non cũng tăng nhiều song vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Quá trình quy hoạch xây dựng mất nhiều thời gian, thiếu quỹ đất, kinh phí đầu tư cho GDMN hạn hẹp, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Là một trong những địa phương thiếu thốn cơ sở vật chất GDMN, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, huyện đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, hàng năm trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ thấp còi giảm, song các nhà trường vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng. “Để đầu tư xây dựng trường mầm non, nâng cao chất lượng GDMN, rất cần sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của TP. Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù cho những quận, huyện khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia” – ông Dân kiến nghị.

Đánh giá về chất lượng GDMN Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục, nhằm đưa giáo dục Thủ đô dẫn đầu toàn quốc. "Để đạt mục tiêu này, GDMN có vai trò quan trọng. Do đó, đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội có thêm cơ chế đặc thù để có thể phát huy tối đa mọi tiềm năng” - Phó Chủ tịch UBND TP kiến nghị.
Tất cả các huyện ngoại thành đã xây dựng được ít nhất 2 trường điểm thực hiện mô hình phòng chống suy dinh dưỡng, nhiều huyện 100% trường mầm non có vườn rau sạch tại chỗ phục vụ bữa ăn cho trẻ như Sóc Sơn, Gia Lâm, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm… 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga