Giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng nhu cầu học tập

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, ngành học giáo dục thường xuyên (GDTX) trong năm học vừa qua đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục; tăng cường các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật kiến thức kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học tập suốt đời.

Năm học 2016-2017, có trên 22 triệu lượt người học tập tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Gần 21 triệu lượt người học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng; hơn 200 nghìn lượt người học tin học, ngoại ngữ được cấp chứng chỉ; gần 300 nghìn người học nghề ngắn hạn; hơn 28 nghìn người học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; gần 210 nghìn học viên học chương trình bổ túc THCS và bổ túc THPT. Trong đó, các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học các chương trình GDTX đã được các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở GDTX quan tâm hơn.
Nhiều địa phương đã chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm các trung tâm GDTX; viết và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm… Tổ chức khảo sát phân loại chất lượng học viên bổ túc THPT ngay từ đầu cấp học, trên cơ sở đó lập kế hoạch phụ đạo học viên yếu, kém... Công tác quản lý, chỉ đạo ở các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm ngoại ngữ, tin học từng bước được đổi mới, nền nếp kỷ cương được tăng cường; các hiện tượng tiêu cực được ngăn chặn kịp thời. Công tác xây dựng xã hội học tập đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp triển khai xây dựng và tổ chức đánh giá mô hình Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; triển khai xây dựng các mô hình học tập gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định, một số địa phương chưa tích cực triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020; việc quản lý tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học của một số địa phương còn hạn chế; một số cơ sở liên kết đào tạo không đúng chức năng; một số nơi tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thực hiện chưa nghiêm túc. Công tác xóa mù chữ ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Các chương trình GDTX đã được nhiều địa phương quan tâm mở rộng nhưng chưa thực sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng của người học. Việc giao cho UBND cấp huyện quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX sau khi sáp nhập theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV gây khó khăn cho hoạt động của các trung tâm...