Giáo dục văn hoá trong gia đình: Áp lực từ đời sống đô thị

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dưới tác động của cơ chế thị trường, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dẫn đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, một số gia trị đạo đức như hiếu nghĩa, trung thuỷ có biểu hiện xuống cấp.

Thông tin trên được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị, toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Quang cảnh Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.
Quang cảnh Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.

Gia tăng bạo lực gia đình

Thời gian qua, vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP diễn biến tiềm ẩn phức tạp, số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Trong 5 năm từ 2018 - 2022 có 711 vụ bạo lực gia đình, trong đó: 284 vụ bạo lực về tinh thần; 397 vụ bạo lực về thân thể; 7 vụ bạo lực về tình dục; 23 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Lê Thị Thiên Hương, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do tác động mặt trái của cơ chế thị trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức: hiếu nghĩa, thuỷ chung có biểu hiện xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam nói chung, gia đình Thủ đô Hà Nội nói riêng đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình.  Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên trong gia đình.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, Bộ VHTT&DL xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Năm 2019, TP Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ VHTT&DL quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn TP từ năm 2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Kết quả năm 2022, 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).

Sống trong gia đình 3 thế hệ, gồm 12 thành viên, bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ về phương pháp xây dựng tổ ấm hạnh phúc: Tuổi tác chênh lệch nhau, ngành nghề, công việc không ai giống ai nhưng chúng tôi luôn gắn kết với nhau bởi phương châm ứng xử của gia đình tôi gói gọn trong 6 chữ “tôn trọng - yêu thương - chia sẻ”.

Bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ tại Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ tại Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.

Bà Nguyễn Thị Vinh Quy cũng cho biết, hai vợ chồng bà tuổi đã cao, nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn ham học hỏi, chồng tôi vẫn đam mê đọc sách, viết bài; thường xuyên tiếp cận với internet, tham gia nhiều công tác với phường, với các đoàn thể và tổ dân phố. Các con luôn trân trọng điều đó và tạo điều kiện để ông, bà “sống vui - sống khỏe - sống có ích”, không hề trói buộc vào việc nhà. Ngược lại, ông bà cũng phải hiểu các con đi làm rất vất vả, chịu không ít áp lực, nên luôn luôn có cách để động viên các con, trợ giúp các con khi cần thiết và lắng nghe những điều các con góp ý cho mình, dành cho các con quyền quyết định công việc gia đình một cách hợp lý. Ngay cả thế hệ thứ ba, các cháu của bà Nguyễn Thị Vinh Quy cũng luôn được quan tâm trên tinh thần được tôn trọng; được người lớn hỏi ý kiến, tham gia bàn bạc vào công việc gia đình, tùy theo mức độ và có sự điều chỉnh tế nhị của người lớn.

Nhân rộng mô hình xây dựng gia đình văn minh

Những năm qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP có những mô hình cách làm trong xây dựng gia đình văn hoá, văn minh như: Mô hình “Câu lạc bộ Gia đình trẻ” của Huyện đoàn Thường Tín; mô hình “Câu lạc bộ Tiền hôn nhân” của Quận đoàn Tây Hồ; Mô hình “Câu lạc bộ B93 – Phòng chống tệ nạn xã hội” của Quận đoàn Ba Đình, Quận đoàn Hoàn Kiếm, Huyện đoàn Thanh Trì; Mô hình Câu lạc bộ “Tìm hiểu pháp luật”của Quận đoàn Long Biên, Huyện đoàn Chương Mỹ, Huyện đoàn Thanh Oai ... qua đó đã góp phần trang bị thêm những kiến thức cho đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng văn hóa gia đình và các vấn đề liên quan đặc biệt là trong các “Gia đình trẻ”.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Đơn cử, tại Sơn Tây, theo Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) chia sẻ: Để phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình thời gian qua, các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào, tiêu biểu như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh với Phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”... Những mô hình, hoạt động này đã kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác gia đình; cách ứng xử trong gia đình, trong quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con; các bí quyết giữ gìn hạnh phúc trong gia đình; phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, xuống cấp về đạo đức xã hội, quá đề cao vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình.

Phát biểu kết luận, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể vào việc triển khai, thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các quận, huyện tăng cường tuyên truyền phổ biến các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động về nội dung nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về mục đích, vai trò, sự cần thiết của Bộ tiêu chí trong việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Từ đó, thúc đẩy tính tự giác của mỗi thành viên gia đình trong việc thực hiện Bộ tiêu chí.