Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Minh An - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (7/11/1981 - 7/11/2021) với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN.

Đại lễ được diễn ra bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội tới 63 tỉnh thành trong cả nước. Tới dự Đại lễ, tại điểm cầu Hà Nội có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành T.Ư.

Về phía GHPGVN có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ - Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Dục, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.
 Các đại biểu thạm dự Đại lễ.

Chung tay xây dựng đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chư tôn đức giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể quý tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị thư”. Lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN.

Với truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua, Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào GHPGVN cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Toàn cảnh buổi Đại lễ.

Thông điệp nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN nêu rõ: Ngày 7/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với Tăng, Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung GHPGVN.
Bước sang giai đoạn đổi mới, Giáo hội bắt đầu thời kỳ phát triển xây dựng nền tảng vững chắc trong những năm cuối thế kỷ XX, làm tiền đề hội nhập phát triển trong thế kỷ XXI. GHPGVN đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước như khôi phục nhiều di sản văn hóa của dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh song hành với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPGVN trong suốt 40 năm công tác phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, góp phần vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN. Nhân sự kiện trọng đại này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho 10 cá nhân, tập thể của GHPGVN có nhiều đóng góp to lớn trong hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc.

Không ngừng lớn mạnh
Cách đây 40 năm, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Trụ sở T.Ư GHPGVN ngày nay, Đại hội Đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo trong cả nước đã họp và nhất trí tuyên bố thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.Trong diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55.000 Tăng ni, 18.000 ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài.

GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 Chùa Quán Sứ (Hà Nội), Trụ sở T.Ư GHPGVN.

Trong 40 năm qua (1981-2021), GHPGVN đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ T.Ư đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam.

Về các hoạt động nhân đạo từ thiện, GHPGVN đã có những đóng góp rất đáng tôn vinh, mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng tham gia trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

GHPGVN đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế; coi trọng công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Cử các đoàn hoằng pháp đi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tại các ngôi chùa Việt khắp năm châu trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định và nâng tầm cộng đồng người Việt trên thế giới.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu rõ, thành tựu các Phật sự trong 40 năm qua, đó là nền tảng, động lực để hoàn thành chương trình Phật sự nhiệm kỳ 8 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Giáo hội tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước ta trở thành nước phát triển, Tăng, Ni, Phật tử hãy năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Xây dựng mô hình Giáo hội kiến tạo ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn đồng bào Phật tử và quản trị hành chính Giáo hội cấp từ trung ương đến địa phương, cũng như kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tạo thành nguồn lực mạnh mẽ phát triển Giáo hội.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước đã trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 10 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính Phủ đã trao Bằng khen cho 6 tập thể và 15 cá nhân thuộc GHPGVN. Để chung tay công tác phòng chống dịch, GHPGVN đã ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 1 tỉ đồng.