Theo đó, tại buổi gặp gỡ, bày tỏ ý kiến của mình trước mặt Ban Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng liên quan, một học sinh bật khóc và kể lại câu chuyện của lớp mình: “Cô giáo Toán của em trong lớp không hề giảng bài, trò chuyện với học sinh, mà chỉ chép, giao bài tập”. Sự việc này hiện đang được trường THPT Long Thới (TP Hồ Chí Minh) xác minh.
Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc khi đề cập đến giáo viên ''không nói gì cả'' trong lớp (ảnh: P.L) |
Theo GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu thông tin này là sự thật, thì đây là chuyện rất lạ, khó có thể chấp nhận. Môi trường giáo dục không chấp nhận việc giáo viên lên lớp làm hết nghĩa vụ, giảng bài cho xong rồi về, mà thiếu sự sát sao, chia sẻ với học sinh. GS Phạm Minh Hạc cho rằng, thầy, cô giáo trên lớp là một hình ảnh trực quan tác động mạnh mẽ tới tâm lý của học sinh. Để được học sinh yêu thích môn học mình dạy, trước hết học sinh phải yêu quý, kính trọng mình, sau đó mới nói đến việc dạy cái gì, dạy như thế nào? Để tạo được thiện cảm với học sinh, hình ảnh người giáo viên phải thật gần gũi và thân thiện, ứng xử phù hợp với từng lứa tuổi các em và chuẩn mực đạo đức xã hội của một nhà giáo.
Đề cập đến môi trường giáo dục hiện nay, GS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm, nếu như trước đây, ngành giáo dục chú trọng cả dạy chữ và dạy người thì nhiều năm gần đây lại chỉ quan tâm quá nhiều tới dạy chữ. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo dục không những phải chú trọng tới năng lực mà còn cả yếu tố hình thành con người để thế hệ trẻ trở thành công dân có ích, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ với bạn bè, người thân.Giáo viên “không nói gì”, im lặng, sao có thể truyền đạt được tri thức cho học trò? Hơn ai hết, người thầy, cô khi đứng lớp phải biết lắng nghe, chia sẻ với học sinh. “Giáo viên phải vừa là cha, mẹ, anh, chị, bạn tâm giao với học trò, khơi gợi và truyền lửa cho sự đam mê và sáng tạo của học trò, đó mới là thành công của người thầy” - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh. Thực chất của việc dạy học là truyền cảm hứng và đánh thức khả năng tự học, khả năng sáng tạo của người học. Còn nếu quan niệm người dạy truyền thụ, người học tiếp nhận, không có trao đổi, phản biện thì sẽ thất bại.