Giết người, phân xác phi tang ở sông Hồng: Nghi phạm đối mặt hình phạt nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan vụ giết người, phân xác phi tang ở sông Hồng, luật sư nhận định, đây là vụ án gây rúng động dư luận xã hội bởi hành vi tàn nhẫn, man rợ của đối tượng. Nếu bị kết tội, đối tượng có thể bị xử lý về nhiều tội danh.

Liên quan đến vụ án cô gái trẻ bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng, đoạn chảy qua huyện Gia Lâm; chiều 15/10, Công an TP Hà Nội đã thông tin chính thức về vụ việc. Theo đó, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nghi phạm T.D.K. (quê Thái Bình) để điều tra về hành vi sát hại cô gái H.Y.N. (17 tuổi, ở Hà Nội). Cơ quan công an xác định, nghi phạm đã sát hại cô gái rồi phân xác thành 4 mảnh, ném xuống sông Hồng.

Nghi phạm sát hại cô gái bị bắt giữ
Nghi phạm sát hại cô gái bị bắt giữ

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, đây là vụ án gây rúng động dư luận xã hội bởi hành vi tàn nhẫn, man rợ của đối tượng. Nếu bị kết tội, Khanh có thể bị xử lý về nhiều tội danh.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai của nghi phạm, lời khai của người làm chứng (nếu có) để làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Khanh về tội Giết người, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất của Điều 123 là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, ngoài việc điều tra về hành vi giết người, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những trường hợp khác như cướp tài sản và hành vi xâm phạm thi thể của nạn nhân... Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng không chỉ thực hiện hành vi giết người mà còn xâm phạm đến thi thể của nạn nhân sau khi nạn nhân đã tử vong, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Xâm phạm thi thể người khác, theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Điều 319 Bộ luật Hình sự quy định, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối tượng đã sát hại cô gái rồi phân xác thành 4 mảnh, ném xuống sông Hồng. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Đối tượng đã sát hại cô gái rồi phân xác thành 4 mảnh, ném xuống sông Hồng. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Vì động cơ đê hèn; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Tội Xâm phạm thi thể có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, tội Giết người có hình phạt cao nhất là tử hình. Trong trường hợp đối tượng bị xử lý về cả 2 tội, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình, hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân.

Theo nhận định của luật sư, vụ án trên không thể loại trừ khả năng có đồng phạm hoặc có người "không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm". Cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng sát hại nạn nhân ở đâu, tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại nạn nhân có ai biết, chứng kiến, có hành vi giúp sức, xúi giục hay không.

“Nếu ngoài đối tượng gây án còn có đối tượng khác thực hiện hành vi giúp sức, xúi giục thì các đối tượng này cũng sẽ bị xử lý về tội Giết người với vai trò đồng phạm” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.