Giữ vững mối liên kết hàng Việt, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường nội địa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian cho thấy vai trò quan trọng của hàng Việt trong việc ổn định thị trường nội địa và nền kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết cung cầu hàng Việt
Chia sẻ tại hội nghị "Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam'', hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khi thế giới phải phong tỏa vì Covid-19 , nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước trở thành ''bức tường thành'' vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước. 
“Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn, kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Thực tế cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 Toàn cảnh hội nghị ngày 8/12

Lý giải nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất công nghiệp đã bắt đầu khởi sắc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, mở rộng liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường dự trữ, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tạo thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động liên kết cung cầu hàng Việt trong thời gian dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân Phạm Thị Huân cho biếtđối với người dân vùng dịch, trứng là thực phẩm thực sự thiết yếu. Để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp còn có sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển của Bộ Công Thương, qua đó giúp doanh nghiệp giữ vững chuỗi cung ứng.
Với ngành dệt may, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh chia sẻ, trước đây ngành dệt may chủ yếu gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài, dịch Covid-19 đã khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp dệt may điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung vào thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào biến động thị trường bên ngoài.
Không để ách tắc lưu thông
Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nhất là trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Để phục hồi phát triển sản xuất, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước tại địa phương, qua đó thống nhất triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh. Kịp thời phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các hướng dẫn, quy định này nhằm tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động do AEON tổ chức tại quận Thanh Xuân

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Ngô Khải Hoàn cũng đề nghị, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch bệnh có thể kéo dài. Bên cạnh đó, nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê.
“Đã có thời điểm, 60.000 lao động ngành dệt may, chiếm 40% tổng lao động Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải nghỉ việc trong 3 tháng, khiến lực lượng lao động thiếu hụt nghiệm trọng”- ông Khải Hoàn nêu ví dụ.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Thực tế hiện nay, do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng với hàng Việt nên chúng ta vẫn đang sản xuất ra những loại hàng hóa với chất lượng không đồng đều. Do hàng kém chất lượng vẫn tiêu thụ được nên giúp người sản xuất không có “áp lực” để nâng cao trách nhiệm, sản xuất ra hàng chất lượng cao. Trong khi thực tế, năng lực của doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn của hàng hóa xuất khẩu sang những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... Do đó, với các thị trường như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… hoàn toàn có thể đặt ra những tiêu chí và lấy quyền lực thị trường để định hướng, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương