Giữ vững vị thế đào tạo báo chí trong truyền thông kỷ nguyên số

Hồ Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 55 năm hình thành và phát triển, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBC&TT) đã đạt được những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ các nhà báo.

Luôn đổi mới để phục vụ sự nghiệp báo chí
Khoa Báo chí, HV BC&TT được thành lập vào tháng 1/1962. Qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế được hơn 13.000 nhà báo. Trong đội ngũ nhà báo tốt nghiệp tại Khoa Báo chí, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn anh em. Nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ Khoa Báo chí có uy tín, làm nồng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông cũng như đoạt nhiều giải thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và  Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trong bối cảnh báo chí hiện nay, các trường đào tạo báo chí buộc phải tư duy lại mô hình đào tạo của mình, phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. PGS,TS. Trương Ngọc Nam - Giám đốc HV BC&TT cho biết: Với quan điểm “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, chứ không phải cái nhà trường có, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, họ có thể tìm được việc làm và sống được bằng nghề đã được đào tạo. Chính vì vậy, chương trình đào tạo phải sát với thực tế, có tính thực hành và ứng dụng cao, giảm thiểu lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số, có thể khẳng định, khoa Báo chí là đơn vị đưa vào chương trình đào tạo đại học môn học Lý thuyết truyền thông sớm nhất toàn quốc - từ năm 1999, chỉ sau 2 năm Việt Nam quyết định tham gia mạng toàn cầu Internet.

Về tuyển sinh, bắt đầu từ năm học 2015 – 2016, HV BC&TT quyết định áp dụng trở lại hình thức thi tuyển sinh “Năng khiếu báo chí” (trước đó đã bị tạm dừng từ năm 2004). Việc trở lại hình thức tuyển sinh này đã góp phần giúp khoa Báo chí có cơ sở để chọn thí sinh đủ năng lực học tập theo mục tiêu đào tạo của ngành, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sự phát triển của nền báo chí hiện nay.

Bàn về định hướng đào tạo báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số, PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí cho rằng: cần chú trọng tạo điều kiện và hướng dẫn phương pháp để người học tích hợp kiến thức nền tảng, kiến thức bách khoa đủ rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm cập nhật kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo, nhà truyền thông theo hướng chuyên sâu. Ngoài ra, cũngcần có chính sách đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận và nhà báo điều tra.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nhiều hình thức đào tạo hấp dẫn

Nhiều năm qua, Học viện đã thiết lập được mối quan hệ khá bền chặt với nhiều cơ sở đào tạo báo chí quốc tế, như: Đại học Truyền thông Trung Quốc; Đại học Truyền thông Luân Đôn, Đại học Middlsex (Vương quốc Anh); Đại học Tổng hợp Viên (Áo); Đại học Truyền thông đại chúng (Philippin); Đại học Truyền thông Stockhom (Thụy Điển); Đại học Truyền thông Bon (Đức), Tổ chức Jaika (Nhật Bản), Tổ chức Koica (Hàn Quốc)... Đây là nhân tố không thể thiếu, đã và đang được coi trọng và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chúc mừng tập thể Khoa Báo chí nhân ngày kỷ niệm 55 năm thành lập. Ảnh: TTXVN/Vietnam+
Để khẳng định vị thế của mình trong tiến trình hội nhập đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, PGS,TS. Trương Ngọc Nam cho rằng, Khoa Báo chí cần phát triển đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuẩn hóa quốc tế. Cùng với đó, cần có chương trình đạo tạo chuẩn, hiện đại và tương đối mở để có thể thích ứng với sự thay đổi không ngừng của nhu cầu xã hội. “Tôi cho rằng, giảng viên Khoa Báo chí tuy khá trẻ về tuổi đời nhưng có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với nghề nghiệp, rất năng động, có khả năng dùng ngoại ngữ của mình để dịch và biên soạn nhiều tài liệu báo chí nước ngoài có giá trị để nghiên cứu” – PGS,TS. Trương Ngọc Nam cho biết thêm.
Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, hiện nay, Học viện cũng được coi như một “cơ quan báo chí” để người học có nhiều “sân chơi”, “bãi tập” , có đầy đủ các cơ sở thực hành như: 1 tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, 1 website Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ajc.hcm.vn), 1 website: Sóng trẻ (songtre.vn), 1 website Báo chí với trẻ (cmvn.vn), 1 tòa soạn Đặc san Báo chí Trẻ, 1 studio truyền hình, 1 studio phát thanh…được trang bị hiện đại. Thầy và trò có điều kiện trực tiếp làm nghề, sản xuất các sản phẩm truyền hình, phát thanh, tờ báo in, trang web... ngay tại Học viện.

Trong thời gian tới, Học viện và Khoa Báo chí sẽ tổ chức nhiều hình thức định hướng nghề nghiệp như: giáo dục, tư vấn cá nhân, diễn đàn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm của những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các khóa… để sinh viên có quan niệm đúng hơn về chọn nghề, chọn việc sau khi tốt nghiệp.

Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, trong hai ngày 9 – 10/6, Khoa Báo chí, HV BC&TT tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như như: Chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu và phục vụ tuyển sinh 2017 từ cuối tháng 5 đến 15/6/2017; Triển lãm ảnh “Thầy –Trò và khoảnh khắc cuộc sống”; Sự kiện ra mắt sách “Trưởng thành từ khoa Báo chí” và “Báo chí-truyền thông, những điểm nhìn từ thực tiễn, tập 3”; “Giao lưu Các thế hệ Thầy – Trò với nghề báo”; Lễ kỷ niệm 55 nămthành lập. Đây là dịp kết nối các thế hệ thầy - trò Khoa Báo chí, các nhà báo và bạn bè, ôn lại truyền thống lịch sử quý báu và chung sức vun đắp, quảng bá cho sự nghiệp đào tạo báo chí - truyền thông của Khoa, của Học viện nói riêng và của đất nước nói chung.