Giương đông, kích tây

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/7 vừa qua, Iran đã thực hiện tuyên bố được đưa ra từ trước đó về việc không còn tuân thủ quy định trong thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) liên quan đến hàm lượng chất liệu phóng xạ uranium được làm giàu tối đa là 3,67%.

Việc này được Iran coi là giai đoạn 2 của quá trình từng bước ngừng thực hiện JCPOA sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA. Ở giai đoạn đầu, Iran đã vượt quá giới hạn 300 kg chất liệu phóng xạ quy định trong JCPOA. Phía Iran cho biết còn có thể sẽ tăng mức độ làm giàu uranium lên từ 5 đến 20%. Mức 3,67% đủ để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân trong khi từ 20% trở lên sẽ được sử dụng vào việc chế tạo đầu đạn hạt nhân. Đối với Mỹ và EU, lo ngại về quyết định này của Iran có nguồn gốc ở chỗ việc làm giàu uranium cho tới mức 20% là quá trình láu dài và phức tạp, nhưng một khi đã có được 20% rồi thì việc chế tạo ra vũ khí hạt nhân lại có thể rất nhanh chóng.

 Ảnh minh họa. 

Với việc Iran không còn tuân thủ 2 quy định giới hạn này nữa, JCPOA không có nghĩa tự khắc bị mất hiệu lực. Cho nên tới đây, 5 bên tham gia ký kết còn lại là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức sẽ phải họp lại và xem xét xử lý tiếp như thế nào.

Iran đưa ra quyết định mới này trong bối cảnh tình hình phía Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực và sẵn sàng chiến tranh với Iran trong khi các bên tham gia ký kết còn lại không có đủ năng lực trên thực tế để bảo toàn lợi ích chính đáng cho Iran khi tiếp tục tuân thủ thoả thuận. Mới đây, Anh còn đáp ứng yêu cầu của Mỹ bắt giữ một con tầu chở dầu của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar.

Cả Mỹ lẫn Iran đều quả quyết không chủ ý tiến hành chiến tranh với nhau. Trong thực chất, cả hai bên đều phải tìm mọi cách ngăn ngừa chiến tranh với nhau xảy ra, cho dù tiếp tục làm găng với nhau và luôn tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ nhau. Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA nên không có quyền gì đòi hỏi Iran phải tiếp tục tuân thủ JCPOA nhưng trên thực tế lại thúc ép Iran phải tiếp tục tuân thủ JCPOA. EU biết rõ chuyện đêbs nước này là do Mỹ gây ra và ý thức được rằng Iran vì thế không còn bị ràng buộc vào JCPOA, trừ khi tự nguyện, nhưng EU cũng vẫn hối thúc Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA, tranh thủ Iran bằng cách lập cơ chế thanh toán quốc tế riêng cho Iran để tránh lệ thuộc vào đồng USD và hệ thống ngân hàng của Mỹ, nhưng đồng thời răn đe và cảnh báo Iran là sẽ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran nếu Iran không còn tuân thủ JCPOA.

Với việc vượt quá giới hạn quy định 3,67% kia, Iran đi bước tiếp theo trên con đường dần rời khỏi JCPOA, nhưng điều khiến Mỹ và EU lo ngại hơn cả là thông điệp của Iran từ đó rằng Iran để ngỏ khả năng nối lại chương trình hạt nhân như xưa và cho dù Iran quả quyết đến mấy là không hề có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân thì Mỹ và EU vẫn nghĩ rằng và tin rằng Iran hướng tới cái đích là chế tạo vũ khí hạt nhân để trở thành cường quốc hạt nhân. Kết cục như thế chắc chắn ông Trump đã không thể không tính đến khi đơn phương lật ngược JCPOA trong khi EU vọng mong không đến.

Có thể thấy được là Iran đang chơi rất thận trọng và bài bản con bài JCPOA để duy trì cơ hội cho mọi khả năng kịch bản là tiếp tục cũng như huỷ bỏ, nhưng đồng thời cũng còn nhằm để phân rẽ EU với Mỹ. Trên danh nghĩa và biểu hiện ra bên ngoài, Iran tung đòn này nhằm vào Mỹ để Mỹ thấm hậu quả của việc đơn phương rút khỏi JCPOA, nhưng trong thực chất ở thời điểm hiện tại lại nhằm vào EU để kích EU phải tác động và gây áp lực với Mỹ. Đối với Iran, việc tiếp tục tuân thủ JCPOA đã không còn vì Mỹ nữa mà chỉ còn vì EU hữu ích cho Iran đến đâu thôi. EU hiện thật sự khó xử và khó khăn vì chẳng khác gì đang bị kẹt giữa Mỹ và Iran, trở thành một kiểu con tin của mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.