Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các kênh chính thống còn hạn chế khi có tới 60% nông sản trên địa bàn TP vẫn tự sản - tự tiêu. Thậm chí, tại nhiều vùng sản xuất tập trung chưa chủ động được đầu ra, nhiều vùng rau có thời điểm bị dư thừa phải nhổ bỏ... Để đầu ra sản phẩm được thuận lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu đề xuất với UBND TP ban hành chính sách hỗ trợ cho các trang trại, hộ sản xuất trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thông tin thị trường. Đặc biệt là tư vấn, đào tạo tập huấn để nông dân, chủ trang trại nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện cam kết mua - bán, trao đổi nông sản.Chia sẻ về giải pháp tiêu thụ nông sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, cần tổ chức sản xuất tốt để có sản phẩm bảo đảm chất lượng. Nông dân, HTX cần liên kết với DN để đưa sản phẩm tiêu thụ ổn định tại các trường học, bếp ăn tập thể, sàn giao dịch nông sản. Theo đó, nông dân và HTX khi tham gia liên kết với DN phân phối cần tìm hiểu kỹ các điều khoản cam kết, ràng buộc giữa các bên và thực hiện nghiêm túc. Về phía DN, cần tổ chức thu mua đúng thời vụ, số lượng, chủng loại và thanh toán sòng phẳng cho nông dân.Bên cạnh tổ chức sản xuất thì bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch cũng là vấn đề cần quan tâm. Trong khi chưa có điều kiện xây dựng kho bảo quản hoặc công nghệ chế biến đáp ứng nhu cầu, rất cần có quy hoạch, cách thức sản xuất phù hợp. Đơn cử, tại huyện Mê Linh, vụ củ cải năm 2018 bị khủng hoảng thừa, cả cộng đồng phải tham gia hỗ trợ tiêu thụ. Rút kinh nghiệm, năm 2019, Mê Linh chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp Hà Nội mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nhằm kéo dài thời vụ thu hoạch, tránh tình trạng ứ đọng, khó bảo quản nông sản.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian qua, TP đã có nhiều nỗ lực tổ chức tiêu thụ nông sản cho nông dân, điển hình là phát triển mạnh các chuỗi liên kết tiêu thụ. Hiện nay, TP đang duy trì và phát triển 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với 21 tỉnh, thành trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn nhằm kết nối tiêu thụ, quản lý chất lượng, phát triển chuỗi cung ứng. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 198 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua chuỗi, qua đó, hỗ trợ hiệu quả hơn cho nông dân.