Gỡ khó cho Quỹ Khuyến nông

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội đã giải ngân kịp thời giúp hàng nghìn hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành, quản lý, sử dụng, QKN cần sớm được tháo gỡ một số khó khăn, hạn chế.

Hỗ trợ nông dân tối đa
Nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân và nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, Tiểu ban quản lý QKN các huyện, thị xã kiểm tra sát sao hoạt động sản xuất, sử dụng vốn vay QKN của các hộ vay vốn trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong sản xuất, sử dụng vốn vay của các hộ. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở có các biện pháp đôn đốc, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đơn cử, trong năm 2019 có 6 hộ vay vốn QKN 1,4 tỷ đồng tại các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các Tiểu ban quản lý đã kịp thời tư vấn cho các hộ điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp để sớm khôi phục sản xuất.
 Cán bộ Quỹ Khuyến nông hướng dẫn nông dân huyện Quốc Oai vay vốn. Ảnh: Ánh Ngọc
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ứng Hòa Lê Thị Minh Hạnh cho biết, trên địa bàn huyện đang có 39 hộ vay phát triển sản xuất. Hầu hết, các hộ đều làm ăn hiệu quả, trả lãi cũng như gốc đúng hạn, nâng cao thu nhập hơn so với trước. Tuy nhiên, do quy định chỉ cho vay với phần vốn lưu động (giống, thức ăn, vật tư, máy móc), không cho vay phát triển cơ sở hạ tầng nên chủ yếu là các hộ vay để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện, không có hộ nào trồng trọt ứng dụng công nghệ cao vay vốn QKN vì hạn mức loại này cho phần vốn lưu động rất thấp so với sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo bà Lê Thị Minh Hạnh, nếu khắc phục được điều này thì QKN sẽ mở rộng được đối tượng hưởng lợi hơn nữa.

Cần được gỡ khó

Trưởng phòng Quản lý QKN (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam cho biết, thực tế, quá trình vận hành, quản lý, sử dụng QKN đang tồn tại những hạn chế nhất định. Do quy trình xử lý hồ sơ vay vốn phải thực hiện nhiều bước thủ tục, thời gian hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản của một số hộ dân kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Mặt khác, một số Tiểu ban QKN chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về QKN, đặc biệt là nguồn vốn cho vay cơ giới hóa. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của một số tiểu ban còn chưa quyết liệt, chưa lồng ghép phối hợp với nhiều nội dung khi làm việc với cơ sở; nghiệp vụ tín dụng của một số cán bộ chuyên quản lý QKN còn hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, thu hồi vốn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, năm nay, diễn biến thời tiết phức tạp, dịch Covid-19 hoành hành đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Trong khi đó, nhiều hộ đang gặp vướng mắc trong khâu thế chấp tài sản để vay vốn do khung giá đất thổ cư rất thấp, thậm chí có hộ phải thế chấp tới 2 mảnh đất mới đáp ứng yêu cầu được vay. Đáng nói, trong tình hình mới, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất đa dạng, nhiều ngành nghề sử dụng lao động nông thôn chưa có điều kiện để vay vốn QKN do không nằm trong nhóm đối tượng được vay theo quy định. Đây là những khó khăn đối với hoạt động của QKN cần sớm được tháo gỡ.

9 tháng năm 2020, QKN Hà Nội đã giải ngân cho 122 hồ sơ phương án vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hơn 40,2 tỷ đồng; 18 hồ sơ phương án vay vốn với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng không vay nữa do vướng mắc trong quá trình làm thủ tục thế chấp tài sản; 3 hồ sơ phương án đề xuất vay 1 tỷ đồng đã được Hội đồng thẩm định cấp TP phê duyệt, đang hoàn thiện thủ tục giải ngân. Dự kiến 3 tháng cuối năm 2020, Quỹ sẽ giải ngân hơn 12,1 tỷ đồng cho 30 hộ vay vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần