Gỡ khó để nhân rộng mô hình khuyến nông

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng việc xây dựng nhiều mô hình khuyến nông chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) đã giúp nhiều hộ nông dân tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các mô hình điểm, việc nhân rộng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. 
Đa dạng các mô hình
Trong niềm vui khi đàn dê chưa đầy 2 năm tuổi đã cho ra đời 11 dê con, ông Đặng Văn Ân, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất tâm sự: "Dê là loài dễ nuôi, sinh sản nhanh. Quan trọng nhất là khâu chọn dê bố, mẹ thì đã được Trung tâm hỗ trợ nên tôi rất yên tâm. Nhờ đó, đàn dê của gia đình phát triển khỏe mạnh, sức đề kháng cao". Năm 2016, Trung tâm triển khai mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Thạch Thất. Trung tâm đã cấp 56 dê giống gồm 48 dê cái và 8 dê đực cho 8 hộ thuộc 2 xã Yên Trung và Yên Bình. Mô hình được người dân hưởng ứng vì vốn đầu tư ít, không tốn công chăm sóc lại cho thu nhập khá.

Thả cá giống tại mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học tại huyện Thanh Oai.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải cho biết, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn sinh sản với tỷ lệ chửa đạt 100%. Hiện đàn dê đã sinh được 22 dê con nâng tổng đàn lên 78 con. Việc triển khai mô hình khá thuận lợi do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương có địa hình đồi núi rộng, nguồn cây cỏ làm thức ăn dồi dào. Tuy nhiên, dê là loại động vật rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là khi nhiệt độ thay đổi nóng - lạnh đột ngột, dê dễ bị viêm phổi hoặc nếu dê ăn phải cỏ ướt sẽ bị chướng bụng, đầy hơi. Vì vậy, cùng với cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình, Trạm Khuyến nông Thạch Thất đã thuê thêm cán bộ thú y để theo dõi, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng tránh bệnh hiệu quả cho đàn dê.
Với định hướng cho nông dân sản xuất an toàn, năm 2017, Trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình NTTS theo hướng an toàn sinh học tại các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây. Theo đó, Trung tâm đã cấp cho các hộ tham gia mô hình 168.000 con cá rô phi giống Novit, 72.000 con cá chép giống và 60.000 con cá rô phi giống Đường Thành. Hiện tại, đàn cá sau thả đều phát triển tốt, thích ứng nhanh với môi trường.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã triển khai 7 dạng mô hình chăn nuôi - NTTS. Bước đầu, các mô hình đều cho kết quả khả quan, được người dân đón nhận, ủng hộ. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm đặc biệt chú trọng việc chọn điểm, chọn hộ. Các hộ tham gia mô hình phải cam kết thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật, có đủ điều kiện cơ sở vật chất về chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, bố trí đủ vốn đối ứng, nhân lực lao động theo yêu cầu. Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm bày tỏ băn khoăn, khó khăn lớn nhất là duy trì và nhân rộng sau mô hình điểm có hỗ trợ. Bởi thực tế, các mô hình khuyến nông vẫn bộc lộ nhược điểm là đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển thành quy mô sản xuất hàng hóa. Thậm chí, một số mô hình chưa giải quyết được "đầu ra" cho sản phẩm trong khi việc nhân rộng mô hình càng khó thực hiện do chưa có cơ chế hỗ trợ sau mô hình điểm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, để các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả, tăng khả năng nhân rộng, TP cần thay đổi chính sách, nhất là chính sách hậu mô hình. Bên cạnh đó, Trung tâm cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, Trung tâm cần xây dựng mô hình gắn với thị trường, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà DN) để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định đến hiệu quả kinh tế của mô hình. 
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần