Gỡ nút thắt công nghệ phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Nội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 25/9, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh”.

Hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Tại Hà Nội, cũng đang tích cực triển khai thực hiện các Chương trình hoạt động của Thành ủy và Thành phố nhiệm kỳ 2021-2025, trong đó có chương trình tái cơ cấu, chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, cũng như doanh nghiệp sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Thành phố nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông.

Đại diện các đại biểu tham luận tại hội thảo
Đại diện các đại biểu tham luận tại hội thảo

Đồng thời, sẽ có nhiều giải pháp được ứng dụng rộng rãi hơn vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình số 07-Ctr/TU, đó là “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ đứng đầu cả nước; tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng tham luận phân tích về vai trò và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh; thực trạng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội; các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các kết quả nghiên cứu… Cùng với đó, các Hợp tác xã, doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn, thách thức khi triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các chính sách để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông minh.

PGS.TS Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa là rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao do Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao đã và đang phát huy hiệu quả, được sản xuất chấp nhận, đang có nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân đến học tập nhân rộng mô hình. “Để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình, chuyển giao cho sản xuất, những mô hình, quy trình đã phát huy hiệu quả, Viện rất cần Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các ban ngành của Hà Nội có những chính sách khuyến khích thúc đẩy chương trình này hơn nữa” - PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả cho hay.

Ở góc độ đơn vị ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đại diện Hợp tác xã hoa Đan Hoài cho biết, trong quá trình tiếp nhận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tiến, bảo dưỡng thiết bị, thiếu công nghệ phù hợp. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ. Do đó, Hợp tác xã kiến nghị cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.