TS Nguyễn Trí Hiếu:

Gỡ rào cản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng bền vững

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao thương nông sản Việt Nam - Trung Quốc đang trong vận hội mới với nhiều lợi thế, tiềm năng lớn.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Việt Nam cần làm trong bối cảnh hiện tại là phải khẩn trương thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu


Vận hội mới, rào cản cũ

Ông đánh giá như thế nào về vận hội mới cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong tình hình hiện nay?

- Mới đây (ngày 16 và 17/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng cho thấy, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng có những bước phát triển mới và đi vào chiều sâu. Đây cũng là tín hiệu tích cực về giao thương tăng trưởng bền vững giữa hai nước.

Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia ngay bên cạnh Việt Nam nên vấn đề xuất khẩu nông sản hàng hóa qua các cửa khẩu vô cùng thuận lợi bằng nhiều phương tiện chuyển tải như qua đường không, đường thủy, đường bộ…

Có thể khẳng định Trung Quốc là điểm đến thuận lợi, lý tưởng của nông sản hàng hóa Việt Nam.

Đáng chú ý, Trung Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, với hơn 1,4 tỷ dân nên nhu cầu tiêu dùng nông sản rất lớn, đây là lợi thế về khai thác thị trường đối với Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các yếu tố đều thuận lợi đối với nông sản Việt.

Sở dĩ tôi nói như vậy vì chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (nhiều mặt hàng) chưa đạt tiêu chí của nhà nhập khẩu Trung Quốc. Đơn cử như, nhiều trái cây của Việt Nam không đạt được tiêu chí về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đó là vấn đề mà các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải cải tiến để có thể đáp ứng tất cả tiêu chí của thị trường và người tiêu dùng Trung Quốc, góp phần quan trọng tăng cường quan hệ thương mại xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc.

Thời gian qua, nhiều thời điểm nông sản Việt bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Theo tôi, một trong những nguyên nhân là chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu với lượng hàng quá lớn mà bằng xe tải, trong khi các cơ quan Hải quan của Trung Quốc bị giới hạn về nguồn nhân lực cũng như thời gian để hoàn tất thủ tục.

Chính vì vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam cần có lịch xuất khẩu qua biên giới Việt Nam và Trung Quốc một cách bài bản, phù hợp. Chẳng hạn, nếu nông sản ùn ứ mà các DN lại đẩy sang Trung Quốc dồn dập thì chắc chắn sẽ bị ách tắc ở cửa khẩu.

Và tình trạng này đã xảy ra rất nhiều lần mà thực tế là các mặt hàng nông sản (chủ yếu là trái cây tươi) của Việt Nam cứ vào vụ thu hoạch rộ là đẩy sang Trung Quốc một cách ồ ạt nên dẫn đến ắch tắc ở cửa khẩu là điều dễ hiểu.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ dựa trên quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại mà còn dựa trên rất nhiều quy trình thủ tục của cả hai bên. Thực tế có những chu trình không khớp giữa Việt Nam với Trung Quốc về những thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa.

Chính vì thế, thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với lực lượng Hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc nỗ lực đồng bộ hóa thủ tục để hàng hóa không bị ùn tắc. Điều này không chỉ đúng giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn đúng với tất cả các quốc gia mà Việt Nam đang có quan hệ giao thương xuất khẩu.

Ông nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức trong thời gian tới đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?

- Trong tương lai, tôi nhìn thấy tiềm năng còn rất lớn và việc Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thể càng ngày càng được mở rộng hơn, ngày càng tăng cường phát triển nhiều hơn.

Thị trường Trung Quốc rất thuận lợi về khoảng cách địa lý và nhu cầu tiêu dùng “khủng” của thị trường 1,4 tỷ dân. Tiềm năng thị trường rất lớn nhưng chúng ta cần phải khai thác một cách mạnh mẽ hơn. Mà trước hết, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược về mặt chính trị song song với chiến lược về thương mại phù hợp giữa hai quốc gia để có thể tăng cường xuất khẩu nông sản Việt vào nước bạn.

Thay đổi để bắt kịp thị trường

Theo ông, giải pháp nào khắc phục những tồn tại của giao thương nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc?

- Đầu tiên là Bộ Công Thương cần làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để giảm thiểu tất cả thủ tục quy trình còn chồng chéo, đối nghịch với nhau để mà dỡ bỏ những khó khăn rào cản về giao thương cho cả hai bên. Thứ hai, các DN

Việt Nam cần có sự cố gắng chủ động hiểu về những quy định về hải quan, quy định về hàng hóa nhập khẩu tại Trung Quốc để các DN có thể đáp ứng được yêu cầu, quy trình của Trung Quốc thì hàng hóa của chúng ta mới xuất khẩu sang nước này một cách thông thoáng. Đối với sự ách tắc nằm ở phía Việt Nam liên quan đến cửa khẩu, các cơ quan hải quan phía Việt Nam phải gỡ bỏ những thủ tục rườm rà để hỗ trợ DN xuất khẩu.

Ông có khuyến nghị nào dành cho nông dân và DN Việt giúp họ vượt rào cản, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?

- Trước hết, các bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu cần phải nắm rõ được tình hình hiện tại và yêu cầu của các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc với những rào cản họ đang giăng ra.

Để vượt qua được những rào cản này, cả người nông dân và DN cần phải nắm bắt để đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đòi hỏi sự nhanh chóng, áp lực về thời gian, nhưng nếu chạy theo thời gian mà DN làm ẩu khiến hàng hóa bị từ chối hoặc trả về là điều khó tránh khỏi. Điều này càng làm trở ngại cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, DN Việt Nam cần hiểu rõ quy định và phải tuân thủ những quy định của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc.
TS Nguyễn Trí Hiếu

 

Đối với nông sản xuất khẩu đều phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, hàng Việt Nam đã thâm nhập đươc một số thị trường trên thế giới, song còn rất nhiều thị trường đang ngăn chặn hàng nông sản của Việt Nam vì lý do chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… chưa đạt tiêu chuẩn nên bắt buộc nông dân, DN phải hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn này một cách toàn vẹn hơn.

Nông sản Việt Nam tới đây phải khẳng định trên thị trường quốc tế bằng chất lượng, chứ không đơn thuần chỉ làm số lượng. Do đó, để xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các DN cần có sự chuẩn bị từ trước. Bên cạnh đó, DN cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc, song song với chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngoại ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Phải chăng, thách thức siết chặt chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi tư duy và hành động trong xuất khẩu hàng hóa ra thế giới?

- Chính xác! Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, chè rất lớn trên thế giới, song thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường nông sản thế giới vẫn chưa phổ biến. Hay nói cách khác, xuất khẩu của Việt Nam tốt về số lượng nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Do đó, chúng ra cần phải nâng cao chất lượng đối với hàng nông sản xuất khẩu, không những đáp ứng thị trường Trung Quốc mà còn đáp ứng các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường mà nước ta ký hiệp định thương mại tự do là CPTPP và EVFTA.

Với những yêu cầu thương mại cấp cao hơn, chắc chắn chất lượng hàng hóaViệt Nam phải được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thế giới. Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc mà còn giúp cho Việt Nam cải tiến được chất lượng hàng nông sản xuất khẩu ra thế giới, để thế giới biết nhiều hơn đến những sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!