Gỡ vướng cho các dự án truyền tải điện Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phải cắt điện luân phiên tới 15-20% phụ tải nếu tiến độ các dự án truyền tải điện không được đẩy nhanh.

Trong 10 năm qua, nhu cầu phụ tải điện Thủ đô đã tăng nhiều lần nhưng Hà Nội không xây thêm được công trình lưới điện 220 kV nào. Để đáp ứng nhu cầu, Hà Nội cần xây dựng mới 6 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 2.500 MVA, nâng công suất trạm 220 kV Xuân Mai thêm 250 MVA và xây dựng 7 đường dây 220 kV với tổng chiều dài 137 km.

Song đến cuối năm 2010, tất cả các công trình này đều không thực hiện được do vướng giải phóng mặt bằng.

Trước tình trạng tăng trưởng phụ tải mạnh của mùa khô 2010 và 2011, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đã triển khai lắp thêm máy biến áp 250 MVA tại 3 trạm 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Đông. Giải pháp tình thế này đã đáp ứng nhu cầu cung ứng điện cho Hà Nội 2 năm qua nhưng không thể đảm bảo lâu dài.

Không chỉ các công trình cấp bách bị chậm mà các công trình 220 - 110 kV đã có trong Quy hoạch điện Hà Nội giai đoạn 2006-2010 cũng ì ạch không kém. Với lưới điện 110 kV, các công trình nâng cấp cải tạo có vẻ khả quan hơn nhưng cũng chỉ đạt 73,8% (phần đường dây) và 81,6% (phần trạm biến áp).

Tin từ EVNHANOI cho biết, nếu năm 2012, nhu cầu phụ tải sẽ lên tới 2.300 MW thì sẽ có nơi bị quá tải tới 159%. Do đó nếu không hoàn thành các dự án điện cấp bách, trong mùa khô 2012, sẽ xảy ra tình trạng cả nước đủ điện nhưng riêng Hà Nội phải cắt điện luân phiên tới 15-20% phụ tải ở khu vực trung tâm, quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm.

3 vướng mắc lớn

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung cấp điện cho thành phố. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố cơ bản là quy hoạch, vốn và chế tài thực hiện đều đang bị vướng.

Theo kết luận tại các cuộc họp bàn về lưới điện Hà Nội, tất cả công trình chậm tiến độ đều vướng ở khâu giải phóng mặt bằng mà nguyên nhân sâu xa chính là vướng mắc trong khâu quy hoạch và quy trình phối hợp thực hiện.

Đó là nguyên nhân thiếu thống nhất về vị trí các trạm biến áp và hướng tuyến đường dây, thiếu nhất quán giữa yêu cầu đo vẽ mặt bằng tuyến trên bản đồ 1/500 và 1/2000 trong các giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán cũng kéo dài thời gian thỏa thuận tuyến. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch công trình cơ sở hạ tầng của địa phương thường xuyên được hiệu chỉnh, bổ sung nên các dự án điện cũng phải điều chỉnh theo khiến cho hướng tuyến bị thay đổi so với thỏa thuận ban đầu.

Một vấn đề khác là cho đến nay, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa ban hành quy định mức bồi thường hỗ trợ đối với hành lang an toàn lưới điện nên mỗi nơi làm một kiểu. Đó là chưa kể, cùng một địa bàn nhưng các dự án khác nhau lại áp dụng mức hỗ trợ khác nhau.

Đặc biệt, vốn đầu tư cho phát triển lưới điện đang là vấn đề vô cùng nan giải. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo “phải đặc biệt ưu tiến vốn cho truyền tải”; Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Phạm Lê Thanh cũng  khẳng định “năm 2012 sẽ là năm của truyền tải” và trong nhiều cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng hứa sẽ có cơ chế hỗ trợ vay vốn cho các dự án lưới điện.

Tháo gỡ dứt điểm từng dự án

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia cho biết, hiện Tổng Công ty đang nỗ lực tập trung vào 2 dự án Vân Trì – Sóc Sơn và Hà Đông -Thành Công. Giải pháp trước mắt là sẽ vay vốn phát triển ngành điện giai đoạn 2 của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, đề nghị thành phố Hà Nội cho vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển.

Để chống quá tải cho lưới điện Hà Nội năm 2012 và những năm sau, Tổng Công ty đang nỗ lực thực hiện các công trình cấp bách. Đó là đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn phải hoàn thành vào tháng 5/2012 để vận hành trạm biến áp 220 kV Vân Trì (đã hoàn thành từ tháng 8/2011), đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm phải hoàn thành vào quý IV/2012; đường dây 220 kV Hà Đông – Thành Công và trạm 220 kV Thành Công phải hoàn thành tháng 12/2012.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tốt nhất là nên tháo gỡ lần lượt dứt điểm từng dự án. Trong điều kiện cấp bách hiện nay, nếu cứ đầu tư rải mành mành sẽ không có hiệu quả.

Trong buổi làm việc giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu một lần nữa yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với EVN trong việc đầu tư xây dựng các dự án cung cấp điện. Sở Quy hoạch TP và Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến quy hoạch, cấp chỉ giới đường đỏ. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước thành phố về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn…

Để khắc phục vướng mắc trong quy hoạch, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị, phần công suất các trạm biến áp, tiến độ thực hiện, phương thức đấu nối thì tuân thủ theo Quy hoạch phát triển điện lực. Còn vị trí các trạm biến áp, hướng tuyến đường dây thì tuân theo Quy hoạch chung của Thủ đô. Những trường hợp không theo quy hoạch chung được thì chủ đầu tư lập dự án thực tế để đảm bảo cung cấp điện cho thành phố.

Riêng phần ngầm hóa nên thực hiện theo quy hoạch chuyên ngành điện vì tài chính của chủ đầu tư đang khó khăn.

Sở Công Thương cũng đề nghị Thành phố sớm ra quyết định trong việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đất, tài sản trên đất nằm trong phần hành lang an toàn lưới điện để các đơn vị có cơ sở thực hiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải làm từ gốc, đó là khâu quy hoạch và ban hành chính sách kịp thời. Đồng thời, phải giải quyết dứt điểm từng dự án, phân định rõ trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục người dân, lãnh đạo các ban ngành cũng cần nâng cao nhận thức, coi đây là nhiệm vụ của mình chứ không phải làm hộ chủ đầu tư.