Góc nhìn nhà giáo: Phải chọn người đủ năng lực

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo quy định sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận trong vài ngày.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo và đại diện bộ này cho biết, sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Ban soạn thảo và cá nhân có liên quan.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, nguyên Trưởng bộ môn Toán - Học viện Nông nghiệp Việt Nam Lê Đức Vĩnh cho biết, Bộ GD&ĐT gặp phản ứng dữ dội là bởi đã đưa ra một quy định không hợp lý cả về luật pháp và đạo đức. Dự thảo đã đi ngược lại nhiều quy định, đặc biệt là Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 về phòng, chống mại dâm. Mặt khác, mặc dù xã hội chấp nhận việc sau khi phạm luật người bán dâm sửa chữa để trở thành người tốt, nhưng nhà giáo luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo, một giáo viên từng hành nghề mại dâm không đủ tư cách đạo đức để được chấp thuận đứng trên bục giảng.

Bên cạnh đó, động thái vội vàng rút lại dự thảo và giải thích do lỗi của cấp dưới của Bộ GD&ĐT cũng nhận những cái lắc đầu của dư luận. Bởi, hành động đó thể hiện bộ máy chuyên gia – chuyên viên xây dựng văn bản của Bộ hiện nay rất yếu kém, không chuyên nghiệp. Uy tín của Bộ GD&ĐT đang tiếp tục giảm do những hành động sơ suất lần này.

Theo ông Vĩnh, đối với quy định chưa hợp lý, Bộ GD&ĐT đã có động thái sửa chữa, thay đổi, đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để sai sót không tiếp tục xảy ra, Bộ nên tập thói quen cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra văn bản, quy định để lấy ý kiến, kiểm soát chặt chẽ mọi tình huống xảy ra. Trước khi ban hành văn bản, Bộ có thể rà soát các văn bản có liên quan, kiểm tra thực tiễn đối tượng điều chỉnh của quy định, đồng thời tuyển chọn các cán bộ phụ trách có đủ năng lực, hiểu biết để tham gia xây dựng văn bản. “Có như vậy, Bộ GD&ĐT mới tạo ra sự thay đổi, chuẩn xác các quy định phù hợp, không còn bị chỉ trích dữ dội như hiện nay” – Ông Vĩnh chia sẻ.