Gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp: Vẫn khó tiếp cận

Trâm Anh - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Song thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các DN còn gặp rất nhiều khó khăn.

 Hoạt động nghiệp vụ tại Eximbank. Ảnh: Việt Dũng
Doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng tín nhiệm
Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, ngay trong ngày 1/4, hàng loạt ngân hàng công bố các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu. Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng. Đó là cử nhân viên trực tiếp tới DN khảo sát khó khăn, cơ cấu lại nợ cho DN hay đưa ra các gói ưu đãi lãi suất cho vay.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết, ngoài các kịch bản ứng phó kinh doanh, công ty đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Theo đó, lãi suất vay ngắn hạn được điều chỉnh vào nhóm thấp nhất trên thị trường; thời gian thanh toán các khoản vay mới được kéo dài. Đồng thời một phần nợ ngắn hạn chuyển sang trung và dài hạn để giảm áp lực về dòng tiền.
Cũng theo MWG, tổng nợ vay ngắn hạn hiện đã giảm 25% so với thời điểm cuối tháng 12/2019. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2019, tổng nợ MWG phải trả là 29.564 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 96%, tăng hơn 54% so với thời điểm đầu năm. MWG có khoản vay ngắn hạn hơn 13.000 tỷ đồng đến từ nhiều nhà băng theo hình thức vay tín chấp như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, Muziho Bank, HSBC…
Chủ tịch Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 tỷ đồng, DN rất mừng vì đơn hàng có, nguyên liệu có, chỉ cần có vốn để đẩy sản xuất. Nhưng khi đặt vấn đề với các ngân hàng thì được cho biết chưa có hướng dẫn cụ thể và còn phân bổ về các ngân hàng thương mại phải thẩm định, cẩn thận”.
Với những DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp lại càng khó hơn. Shark Tank Lê Đăng Khoa, khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thời trang, kiến trúc... cho hay, một số đơn vị đang có kinh doanh vẫn ổn gồm: Công ty rau 3S, bánh The Factory, chuỗi cửa hàng hoa 38 Flowers Market... Tuy nhiên, các đơn vị này đang gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn yêu cầu tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động...
Ghi nhận từ nhiều DN khởi nghiệp, DN nhỏ khác... hầu như không có nhiều bất động sản làm tài sản bảo đảm bởi mặt bằng chủ yếu đi thuê. Do đó, việc yêu cầu các DN phải có bất động sản làm tài sản bảo đảm để vay vốn là đòi hỏi rất khó đáp ứng trong thời điểm hiện nay.
Tính từ 23/1 - 28/3, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng. Đồng thời đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng (chủ yếu cho khách hàng ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục,...).
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã đưa ra các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so lãi suất thông thường từ 0,5 - 3% (khoảng 250.000 tỷ đồng), trong đó đã giải ngân gần 80.000 tỷ đồng. Tuy vậy, theo các ngân hàng, không chỉ DN, hàng chục nghìn cá nhân vay vốn ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do dịch Covid-19. Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân vẫn dồn dập gửi về ngân hàng.
Chính sách thuế chưa đi vào hiện thực
Các DN hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như thanh khoản, thiếu hụt nguồn vồn lưu động, phải cơ cấu nợ, tìm kiếm các giải pháp về quản trị hiệu quả, tiết giảm chi phí, bảo đảm tính hoạt động liên tục do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Một số DN cho biết hiện nay, tuy Chính phủ đã có chủ trương ban hành gói hỗ trợ tài khóa nhưng đến lúc này thực tế vẫn chưa đi vào hiện thực. “Đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập DN, giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 về cơ bản được Chính phủ nhất trí. Do vậy, cần phải thông qua sớm nhất có thể” - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Song song với việc ban hành các chính sách miễn giảm, Chính phủ và các bộ, ngành nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc tiếp cận kịp thời các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ. Các DN kỳ vọng, Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành và có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian này, ổn định lạm phát. Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực có chi tiêu công của Nhà nước.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế tối đa là 2 năm. Vì vậy, Chính phủ, có thể trong thẩm quyền của mình hoặc báo cáo Quốc hội kéo dài thời gian gia hạn. Việc miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất và thậm chí tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với các nhóm DN chịu thiệt hại nặng nề và cần được bổ sung nguồn lực tài chính để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Minh Hải

Hiện, công ty đã ngừng toàn bộ sản xuất và đóng cửa hệ thống các cửa hàng. Với tình hình như vậy, công ty đang rất khó khăn và cần sự hỗ trợ để được giãn nợ và vay mới. Thế nhưng đến hiện tại, công ty vẫn chưa được hưởng chính sách này do ngân hàng không có hướng dẫn cụ thể để DN thực hiện và ngay ngân hàng cũng rất lúng túng trong việc triển khai cho vay.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Giày BQ Phan Hải