Gọn bộ máy

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, chính quyền TP được quyền chi thu nhập bình quân tăng thêm 1,8 lần so với mức lương hưởng…

 Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Ảnh minh họa
Đó là những thông tin được dư luận quan tâm khi Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào Tờ trình và các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường và một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội, trước khi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm nay.
Không tổ chức HĐND cấp phường là một trong những nội dung để cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và sẽ bắt đầu được thực hiện từ 1/6/2021 nếu được Quốc hội thông qua. Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của TP Hà Nội khi thực hiện thí điểm, sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp TP; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn.
Đây cũng vốn là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong quá trình Hà Nội lấy ý kiến hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Trong đó, hầu hết quan điểm đều đồng tình, từ năm 2021, bỏ HĐND cấp phường, thị trấn là bước đi thận trọng, tránh gây xáo trộn trong bộ máy và từng bước cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn TP theo hướng tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cải cách, đổi mới chính quyền địa phương theo hướng này sẽ phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn tại TP Hà Nội.
Bởi nhiệm vụ chính của cấp phường là thực hiện một số công việc cụ thể của công tác quản lý hành chính Nhà nước, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, không có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý quy hoạch và quản lý ngân sách. Đồng thời, khi không tổ chức HÐND ở cấp này, việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân cũng được tính đến khi phường, thị trấn khi chuyển giao sự giám sát trực tiếp cho HÐND và đại biểu HÐND quận, thị xã và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, không có chuyện “bỏ trống giám sát”.
Thực tế cũng cho thấy, không gian đô thị hẹp, việc đi lại ở các đô thị khá thuận tiện, người dân từ cơ sở lên thẳng HĐND quận, TP để phản ánh, kiến nghị, đề đạt các nguyện vọng cũng rất thuận lợi; việc giải quyết các nội dung kiến nghị cũng sẽ có "sức nặng" hơn, vì thế các cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc, giải quyết triệt để, rốt ráo hơn. Ngoài ra, hiện nay việc tiếp thu ý kiến của người dân có thể qua nhiều kênh khác nhau rất nhanh chóng, hiệu quả như qua điện thoại, internet hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường có thể tăng cường nhân lực cho cơ quan hành chính sẽ phục vụ tốt hơn yêu cầu giải quyết công việc của người dân, giúp cho việc điều hành công việc ở địa phương từ TP đến cấp cơ sở nhanh hơn, thông suốt hơn. Đặc biệt, bảo đảm việc quản lý nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, nhất là phát huy được năng lực toàn diện của cơ quan hành chính nhà nước. Tạo điều kiện, cơ chế cho các cơ quan hành chính ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả các sự cố, tình huống phát sinh trong thực tế quản lý nhà nước.
Tuy mô hình tổ chức này cũng chỉ là một phần để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ở một đô thị rất đặc biệt là Hà Nội, nhưng sẽ là những bước đi đầu tiên để hình thành chính quyền đô thị theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, và linh hoạt.