Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP: Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức Tọa đàm “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”. Tại đây, một số chuyên gia đầu ngành đã đưa ra những ý kiến xác đáng phân tích kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 5 năm 2015 - 2020, làm rõ những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho nhiệm kỳ tới.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức tặng hoa các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn
Chuẩn bị cán bộ có trình độ đáp ứng nhiệm vụ mới
Góp ý vào Dự thảo Văn kiện, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Dự thảo nêu “nhiệm kỳ 2015 -2020, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp tại TP đã được nâng lên” là rất xác đáng. Kết quả nổi trội của TP chính là đã đi sâu vào quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế, thể hiện mạnh hơn vai trò làm chủ của HĐND và nâng cao vai trò UBND, chất lượng chính quyền địa phương; chuyển từ mục tiêu quản lý sang mục tiêu phục vụ, chính quyền ngày càng biết “nhận lỗi” trước dân.
Nhiệm kỳ tới, việc xây dựng một chính quyền mạnh cần được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thành ủy cần rà soát để TP xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức thực sự vừa chuyên nghiệp vừa tinh thông, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Thang Văn Phúc
Từ đó, TS Thang Văn Phúc đề nghị, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị cho Hà Nội, vấn đề cán bộ vẫn cần được coi là cốt lõi nhất. Do đó, có nhiều yêu cầu rất mới đặt ra cho TP trong nhiệm kỳ tới về công tác cán bộ, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, Đảng bộ TP cần tiếp tục xác định các công tác này là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, để xây dựng được chính quyền đô thị, Hà Nội cần chuyển phương thức quản lý từ trực tiếp sang gián tiếp bằng pháp luật và công nghệ cao, thay vì “cầm tay chỉ việc” như trước. Muốn vậy, cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ tương xứng chức năng nhiệm vụ mới, từ chuyên môn đến trình độ tiếng Anh, công nghệ thông tin…
Cùng góp ý về vai trò hệ thống chính trị trong phát triển TP, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định, về các bài học đề cập trong Dự thảo, cần bổ sung bài học về tăng cường quản lý quy hoạch, sau quy hoạch và quản lý trật tự đô thị; bài học về nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ, hệ thống chính trị và các hiệp hội. Ngoài ra, số DN của Hà Nội chiếm 1/3 cả nước nhưng Dự thảo không đề cập đến hiệp hội DN, cần nêu rõ TP đã xây dựng được cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh.
Góp ý sâu về lĩnh vực kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đề nghị, điều chỉnh lại các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế tổng quát nêu trong Dự thảo, bởi đã được xây dựng trước khi xảy ra dịch Covid-19. Về giải pháp trọng tâm thời gian tới, kinh tế TP nên chú trọng sản phẩm có hàm lượng khoa học, hàm lượng vốn, giá trị gia tăng và tính kết nối cao. Đặc biệt, TP cần phát triển nguồn lực văn hóa và con người để biến thành động lực kinh tế; phát triển dịch vụ chất lượng cao và xuất khẩu dịch vụ; tăng cường các chuỗi liên kết trong vùng Thủ đô, cả nước và quốc tế.
Xây dựng người Hà Nội khỏe thể chất, lành mạnh tâm hồn
Đề cập vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội bày tỏ, dù so với kỳ vọng, kết quả phát triển lĩnh vực văn hóa của TP nhiệm kỳ qua còn nhiều điều chưa thỏa mãn, nhưng chúng ta cũng nên nhìn lại để đánh giá công bằng. Trong Dự thảo cần khẳng định, Thủ đô giờ đẹp hơn nhiều, đan xen giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc cổ vẫn thể hiện những điểm nhấn của Thăng Long - Hà Nội. Ngay từ nhận thức của người dân cũng thay đổi đáng kể, cơ bản đều có ý thức làm sao cho TP đẹp hơn.

Trong vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, tôi đề cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Chuyện xây dựng văn hóa không dễ nhưng lại rất dễ nếu mọi người làm trong lĩnh vực này đều vì sự nghiệp văn hóa, lắng nghe người khác góp ý.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức

Về giải pháp nêu trong Dự thảo, TS Nguyễn Viết Chức đề nghị, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần được hiểu rộng ra, trong đó khẳng định người Thăng Long - Hà Nội phải là những người khỏe về thể chất và lành mạnh về tâm hồn, có khả năng thích nghi đời sống hiện đại, nhất là trong giới trẻ. Hơn nữa, cần xây dựng con người Hà Nội tự trọng, trung thực; cán bộ càng cao thì càng phải đề cao sự tự trọng.
Đồng tình với những nhận định Dự thảo nêu về kết quả tích cực TP đã đạt được trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị nhiệm kỳ này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần nhấn mạnh nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch có vai trò định hướng sự phát triển của TP, luôn đổi mới. Hà Nội đã quyết tâm tạo được quy hoạch đồng bộ, có chất lượng; diện mạo đô thị nhiều khởi sắc, từng bước xác định bản sắc Thủ đô. Hơn nữa, nêu rõ kết quả chỉ đạo của TP đã bám sát yêu cầu hội nhập thông qua xây dựng các khu đô thị thông minh, chính quyền đô thị. Đồng thời làm nổi bật hơn kết quả xây dựng nông thôn mới, vì đây là lĩnh vực Hà Nội đang dẫn đầu cả nước, tạo nền tảng Thủ đô phát triển bền vững và là đô thị đặc biệt.

Thực hiện Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 18/2/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia có thêm đánh giá về kết quả Đảng bộ TP đã đạt được cũng như đề xuất giải pháp cho nhiệm kỳ tới, đặc biệt liên quan 4 lĩnh vực: Xây dựng chính quyền và công tác cán bộ; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; phát triển kinh tế Thủ đô thời kỳ hội nhập.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức

Để tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, TP cần phát huy vốn trí thức của Hà Nội mà không địa phương nào có được, đó là 70 trường đại học, cao đẳng, nhiều học viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhất là đội ngũ trí thức đầu ngành đang sinh hoạt trong các liên hiệp hội, hội cơ sở.

Phó Chủ tịch Hội QH&PT đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm