GS Carl Thayer: Philippines đang “mạo hiểm” ở Biển Đông

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo sư (GS) Australia Carl Thayer đã bày tỏ quan điểm về nghi vấn Trung Quốc đặt vũ khí trên 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bên lề hội nghị Việt Nam học lần thứ 5, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Giáo sư (GS) Carl Thayers, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales.
 GS Carl Thayer
GS đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông sau gần 6 tháng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường Chín Đoạn” của Trung Quốc?
Thuật ngữ “tạm ngừng hoạt động minh họa” có thể miêu tả tác động của phán quyết trên. Phán quyết của Tòa trọng tài PCA không có tính ràng buộc do đó vẫn chưa có tác động lớn tới tình hình Biển Đông. Tình hình này càng kéo dài, sức ảnh hưởng của phán quyết đối với cộng đồng quốc tế ngày càng thuyên giảm. Nhưng mặt tích cực sau phán quyết là sự thay đổi chính quyền của Philippines với việc Tổng thống Rodrigo Duterte cởi mở và có bàn luận trực tiếp về Biển Đông với Bắc Kinh, điều chưa từng xảy ra 2 năm vừa qua.
Một báo cáo trong tuần này cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt vũ khí lên toàn bộ 7 hòn đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Đồng thời, Ngoại trưởng Philippines khẳng định sẽ gác lại tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. GS nhận định gì về việc này?
Hiện nay, chính quyền Mỹ đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, lắp đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo vào thời điểm này chứng minh, Trung Quốc đang tận dụng việc Washington bận rộn để tiếp tục lấn tới. Trung Quốc luôn khẳng định, sẽ chỉ tăng cường quân sự nếu gặp áp lực phải phòng vệ trên Biển Đông. Nhưng Mỹ đang tập trung vào nội bộ, Philippines gần đây cũng tỏ thái độ mềm mỏng hơn. Thực tế, Bắc Kinh không hề có áp lực phải triển khai vũ khí phòng vệ ở Biển Đông.
Đây cũng là “bước ngoặt lớn” trên Biển Đông, bởi những thiết bị như súng, hệ thống chống tên lửa hành trình và chống máy bay chiến đấu (theo báo cáo) không chỉ dùng được vào mục đích phòng vệ mà còn có thể tấn công.
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp nhậm chức có ảnh hưởng gì tới tình hình Biển Đông thưa GS?
Chưa thể dự đoán được tình hình dựa trên đội hình nội các ông Trump mới chọn ra, bởi những vị trí này vẫn cần được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, việc chọn  “tướng về hưu” cho vị trí Cố vấn an ninh cần được Quốc hội tạo ngoại lệ. Bên cạnh đó, mục tiêu chính trong chiến lược an ninh ông Trump nêu ra là đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính sách liên quan tới châu Á hay vấn đề Biển Đông của ông Trump chưa rõ nét.
Trong năm tới, ASEAN cần hành động ra sao trước những diễn biến mới trên Biển Đông?
Những hành động nhân nhượng của Philippines gần đây là thiếu khôn ngoan bởi Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng tại Biển Đông, bất chấp Manila nhân nhượng đến đâu. Trong bối cảnh Philippines giữ vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2017, các quốc gia trong khối cần tập trung đoàn kết hơn bao giờ hết. Cơ hội cho ASEAN là thúc đẩy hoàn tất khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017, điều Bắc Kinh đã nhất trí hồi tháng 7 vừa qua. Về phía Việt Nam có thể tăng cường hợp tác, trao đổi với các quốc gia trong khối có quan điểm rõ ràng về vấn đề Biển Đông như Indonesia, Singapore…