GS.TS Nguyễn Văn Hiệp: Nhiều cuốn từ điển chính tả sai rõ ràng, lập hội đồng cũng không thể nói khác

Lan Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự việc độc giả “nhặt sạn” hàng trăm lỗi của các cuốn từ điển chính tả, trong đó có cuốn của GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Hà Quang Năng…, cơ quan quản lý cho thu hồi; còn tác giả biện minh đó là cách sử dụng theo quan điểm cá nhân. Để rộng đường dư luận về việc đúng - sai trong cách biên soạn từ điển chính tả, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp.

Đã gọi là “chính tả” thì không thể xử lí theo quan điểm cá nhân

          Thưa GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, thời gian vừa qua có một cuốn từ điển chính tả bị độc giả và chuyên gia nhặt sạn chỉ ra sai sót khiến cuốn sách bị thu hồi. Theo GS, đây chỉ là hiện tượng cá biệt hay là phổ biến đối với sách từ điển?

          - Theo tôi, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, vì đã có những cuốn từ điển rất tốt, được xã hội thừa nhận, đánh giá cao, như Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) và nhiều từ điển khác (gồm từ điển tường giải, từ điển thuật ngữ, từ điển song ngữ…) do các học giả có uy tín biên soạn và được xã hội thừa nhận, sử dụng rộng rãi.

 GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam

         Sách từ điển thuộc thể loại tra cứu, cần sự chuẩn chỉnh và thống nhất, mặc dù đã bị thu hồi nhưng nhiều tác giả cho rằng, tiếng Việt có những biến thể hay lưỡng thể, nên việc sử dụng thế nào là quyền của tác giả. Ông có đồng tình với quan điểm này?

          - Với tư cách là người sáng tác, thì với những mục đích nghệ thuật nào đó, tác giả có quyền sử dụng chính tả theo thói quen, phương ngữ, hay quan điểm riêng của mình, nhưng một khi đứng ra biên soạn từ điển lại là chuyện khác. Ngay tên gọi “Từ điển” đã bao hàm ý chuẩn chỉnh, có sự thống nhất cao, nương theo cách viết đã ổn định và được số đông thừa nhận. Về vấn đề biến thể, đúng là có sự khác biệt về hệ thống ngữ âm của các phương ngữ của Việt Nam, có sự thay đổi của một số dạng chính tả qua thời gian, chẳng hạn trước đây vài chục năm viết giòng sông nhưng hiện nay phần lớn viết là dòng sông. Cũng có một số trường hợp chính tả chấp nhận lưỡng khả như trời/giời. Dĩ nhiên tính lưỡng khả này không “lưỡng khả” trong mọi trường hợp: “trời” được dùng trong nhiều phong cách chức năng khác nhau, còn “giời” chỉ được sử dụng trong phong cách khẩu ngữ, thông tục. Có thể xem “giời” và “trời” là hai biến thể từ vựng, có sự phân bố chức năng khác nhau, và vì thế sự lưỡng khả về chính tả trong trường hợp này là hệ quả cách ghi của hai biến thể từ vựng.

          Trường hợp “hằng ngày”/ “hàng ngày” cũng có thể xem là lưỡng khả, nhưng nguyên nhân rất khác. Về từ nguyên, trong một lần nói chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh, tôi được ông ấy cho rằng viết đúng phải là “hằng” (một yếu tố Hán Việt, có nghĩa là không thay đổi, như trong “hằng số”), “hằng ngày” có nghĩa là “ngày nào cũng như ngày nào”. Nhưng qua thời gian, nhiều người dùng “hàng ngày”, với ý là ngày này qua ngày khác, và cũng có nghĩa là các ngày giống nhau, dần dần tồn tại hai cách viết “hằng ngày” và “hàng ngày” trong chính tả tiếng Việt. Dĩ nhiên đây cũng chỉ là một cách hiểu, bởi ngoài “hằng”/“hàng”, chúng ta còn thấy biến thể giữa “đằng đông”/“đàng đông”, “đằng trời”/ “đàng trời”.

           Tuy nhiên, những trường hợp lưỡng khả thật sự trong tiếng Việt không nhiều, và nếu có thì tác giả từ điển chính tả phải có chú thích. Theo tôi, đã gọi là “chính tả” thì không thể xử lí theo quan điểm cá nhân. Không thể lập luận rằng vì chưa có cái gọi là “chuẩn chính tả”, theo cái nghĩa là chưa có một văn bản chính thức từ Nhà nước quy định viết thế nào mới đúng, nên có thể xử lí theo quan điểm cá nhân (mà số đông phản đối) về chính tả. Mặt khác, những lỗi chính tả như “sa trường” viết thành “xa trường”, “xử tử” thành “sử tử”, “lãi suất” thành “lãi xuất”… liên quan đến nghĩa của yếu tố cấu tạo từ, nên không có chuyện “lưỡng khả” ở đây.

           Nếu quan điểm tiếng Việt có những biến thể hay lưỡng thể, nên việc sử dụng thế nào là quyền của tác giả là đúng, thì vậy đâu là chuẩn chính tả?

          - Quan điểm trên không đúng. Nhìn tổng thể, dù chính tả có những biến động qua thời gian, có một số trường hợp lưỡng khả nhưng ở bất kì một lát cắt đồng đại nào cũng có những thừa nhận mang tính quy ước về chính tả được cộng đồng thừa nhận. Đó chính là chuẩn chính tả, có thể thấy trong sách giáo khoa nhà trường, qua cách viết của những nhà văn, nhà thơ có uy tín, qua các văn bản chính thức của nhà nước…

          Cho đến nay, ngoài quyết định thu hồi thì chưa có sự phân định đúng sai của cơ quan quản lý cho những đầu sách này, ông nghĩ việc lập một hội đồng khoa học để đánh giá về chất lượng cuốn sách có quá khó?

       - Tôi nghĩ tiếng nói, chữ viết là tài sản chung của xã hội, sự thẩm định của xã hội là sự thẩm định cao nhất. Phần lớn những lỗi sai về chính tả vừa được nêu trên các phương tiện truyền thông là những lỗi sai rõ ràng, mà nhiều người sử dụng tiếng Việt có thể dễ dàng nhận ra. Vì thế, bây giờ nếu lập hội đồng khoa học để thẩm định thì tôi tin hội đồng ấy cũng không thể nói khác được. Tôi được biết gần đây Cục Xuất bản có quy định việc xuất bản từ điển phải thông qua khâu thẩm định của các nhà chuyên môn, hy vọng rằng quy định này sẽ hạn chế, ngăn chặn những cuốn từ điển kém chất lượng.

 Những cuốn từ điển sai sót về chính tả, khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua

          Công trình cá nhân, Viện không thẩm định

          Theo ông, chủ biên những cuốn từ điển bị thu hồi là những GS.PGS có uy tín, chức vị trong ngành ngôn ngữ, đã ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin của độc giả cũng như ngành ngôn ngữ?

           - Đây là những công trình của các cá nhân, không phải lấy kinh phí từ ngân sách Nhà nước, vì thế không phải thông qua các hội đồng thẩm định, nhưng để xảy ra những lỗi như vậy rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của giới ngôn ngữ học và đánh mất niềm tin của độc giả. Đó là điều đáng buồn và đáng tiếc

          Trên kệ sách của các nhà sách với đủ các loại từ điển, thì độc giả chỉ biết dựa vào tên tuổi, học hàm học vị của tác giả để làm niềm tin và lựa chọn mua sách, với hy vọng chọn được cuốn sách chất lượng. Theo ông, những người đứng đầu ngành, có chức vị cần phải đặt ra tiêu chí gì cho mình khi xuất bản sách, đảm bảo giữ được niềm tin cho độc giả?

         - Đúng là trong thời buổi thị trường hiện nay, sản phẩm tốt xấu lẫn lộn, độc giả khi lựa chọn sách thường có xu hướng dựa vào tên tuổi, học hàm học vị của tác giả, uy tín của nhà xuất bản để chọn sách. Các cụ xưa có câu “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, vì thế các tác giả phải thận trọng hơn, các nhà xuất bản phải có trách nhiệm hơn, phải có đội ngũ biên tập có chuyên môn giỏi cũng như phải có cơ chế để các nhà khoa học được tham gia thẩm định các loại từ điển.

          Để thống nhất về chính tả tiếng Việt, theo ông có nên xây dựng và ban hành Luật chính tả, hay Luật tiếng Việt không? Nếu có thì việc ra đời này sẽ có hạn chế được tình trạng sách chính tả sai chính tả?

        - Như tôi đã có lần phát biểu, xây dựng và ban hành Luật ngôn ngữ, hay hẹp hơn là Luật tiếng Việt, là mơ ước của nhiều thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ và của xã hội nói chung. Hiến pháp 2013 khẳng định Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, vì thế cần có Luật tiếng Việt để bảo vệ tiếng Việt, và liên quan đến tiếng Việt là chính tả tiếng Việt.

         Tuy nhiên Luật tiếng Việt không thể “cầm tay chỉ việc” để có thể viết đúng chính tả trong tất cả các trường hợp. Luật tiếng Việt có nhiều nội dung, chẳng hạn khẳng định vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia, quan hệ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc anh em, với ngoại ngữ, việc sử dụng tiếng Việt trong giáo dục, trong truyền thông… Chính tả chỉ có thể là một nội dung trong Luật tiếng Việt mà thôi, không thể có cái gọi là “Luật chính tả”. Và theo quan điểm của tôi, điều khoản về chính tả trong Luật tiếng Việt chỉ có thể nêu ra những quy định chung như quy định viết hoa, nêu chế tài đối với việc lạm dụng tiếng nước ngoài hay viết sai chính tả, trước hết trên các văn bản hành chính công.Theo tinh thần đó, Luật tiếng Việt chỉ có thể xác định chuẩn chính tả trong một số trường hợp (như quy định viết i/y, quy định viết hoa tên riêng) chứ Luật tiếng Việt không thể đem đến sự thống nhất về chính tả tiếng Việt. Như đã nói, chuẩn chính tả được hình thành qua thời gian, có tính quy ước, được xã hội thừa nhận và được thể hiện qua các ấn phẩm có uy tín.

       Việc sử dụng ngôn ngữ có cái chung, mang tính xã hội và cái riêng, mang tính cá nhân. Luật tiếng Việt không thể chế tài được những cách nói/cách viết cá nhân, trong các diễn ngôn/văn bản mang tính sinh hoạt đời thường.Hệ quả là, nếu mỗi người không có ý thức rèn luyện viết đúng chính tả (qua học tập, qua tham khảo sách giáo khoa, đọc các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học có uy tín…) và nếu để tiếp diễn tình trạng có nhiều từ điển chính tả lại sai sót về chính tả như vừa qua thì không có Luật ngôn ngữ hay Luật tiếng Việt nào có thể cứu được.

      Xin cảm ơn ông!