Hà Nội: Ấm áp ngày “Tết sum vầy – Xuân bình an năm 2022”

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào Xuân mới Nhâm Dần năm 2022, ngày 22/1, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, hơn 200 công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã  tới tham dự chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức.

Dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; cùng đại diện lãnh đạo các ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các sở ban ngành thuộc TP Hà Nội.

Các đại biểu tham dự chương trình
Các đại biểu tham dự chương trình

Chương trình “Tết sum vầy” được LĐLĐ TP tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến, Xuân về, là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động của tổ chức Công đoàn. Qua chương trình, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung sức với tổ chức Công đoàn cùng quan tâm, chăm lo tới đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mang Tết đến sớm với người lao động.

LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đối với CNVCLĐ Thủ đô trong ngày Tết sum vầy - Xuân bình an 2022.
LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đối với CNVCLĐ Thủ đô trong ngày Tết sum vầy - Xuân bình an 2022.

Kịp thời sẻ chia khó khăn với người lao động

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2021, là năm đầy khó khăn, thách thức đối với đội ngũ CNVCLĐ và cán bộ Công đoàn Thủ đô; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động; hàng chục nghìn công nhân lao động (CNLĐ) đã phải ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập. Nhưng trước khó khăn, vất vả đó, đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô càng thể hiện được nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia. Những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” cùng với hàng chục nghìn “Túi An sinh Công đoàn” hàng ngày đến với đoàn viên, người lao động khó khăn ở khắp các doanh nghiệp, các khu công nghiệp chế xuất, các khu nhà trọ công nhân, tô thắm thêm hình ảnh, màu áo xanh Công đoàn càng trở nên gần gũi, thân thiết hơn.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn cho CNVCLĐ.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn cho CNVCLĐ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong một thời gian dài, đời sống CNLĐ gặp rất nhiều khó khăn, mức thưởng Tết và các chế độ phúc lợi của người lao động cũng giảm hơn so với năm trước.

Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp Công đoàn Thành phố đã ưu tiên nguồn lực, dành nguồn ngân sách trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; thông qua 4 hoạt động lớn đó là: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; hỗ trợ phương tiện đưa CNLĐ khó khăn về quê đón Tết; thăm, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn và triển khai gói hỗ trợ theo Kế hoạch số 146/KH-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trong đó, riêng cấp LĐLĐ TP dành khoảng 71,3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; thăm hỏi, hỗ trợ 14.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền là 14 tỷ đồng; hỗ trợ 1.200 CNLĐ đang làm việc tại các Khu Công nghiệp và chế xuất về quê đón Tết; hỗ trợ 50% kinh phí thuê phương tiện cho Công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức “Xe đưa công nhân về quê”; hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền 2 tỷ đồng…

Không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ vui mừng khi tham dự chương trình “Tết Sum vầy - Xuân bình an” ấm áp trong CNVCLĐ Thủ đô do LĐLĐ TP tổ chức. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa thiết thực của tổ chức Công đoàn, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời để đoàn viên, CNVCLĐ được vui Tết, đón Xuân; đồng thời lan tỏa thông điệp đoàn kết, sẻ chia với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cộng đồng và toàn xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại chương trình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại chương trình.

Điểm lại một số kết quả quan trọng trong năm qua của TP, đặc biệt là việc bảo vệ Thủ đô an toàn trong đại dịch, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt", bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục, phát triển kinh tế, Bí thư Thành uỷ ghi nhận, để đạt được thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của tổ chức công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô.

Trong năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế xã hội; hàng nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản; hàng chục nghìn người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút; công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô đã luôn tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền TP, các địa phương; không ngừng nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia thực hiện “nhiệm vụ kép”, đồng hành với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trao tặng 10.000 suất quà của Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ TP cho CNVCLĐ Thủ đô
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trao tặng 10.000 suất quà của Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ TP cho CNVCLĐ Thủ đô

Công đoàn Thủ đô đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động; làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là tổ chức các mô hình phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với cách làm mới, sáng tạo, mang lại tác dụng thiết thực đã được triển khai, thực hiện như: Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, bị bệnh tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; chương trình hỗ trợ “Mái ấm công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”, “Tháng công nhân”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao quà Tết cho công nhân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao quà Tết cho công nhân.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn đã thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Thông qua nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, như: Chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thi 0 đồng”, “Tổ ứng phó khẩn cấp”, thiết lập “Đường dây nóng hỗ trợ Công nhân” qua đó đã tiếp nhận thông tin, vận chuyển, hỗ trợ kịp thời trên 90.000 “Túi An sinh Công đoàn” đến với đoàn viên, người lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh; tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động thành lập 11.536 “Tổ An toàn Covid-19” tại 4.342 doanh nghiệp; xây dựng, duy trì mô hình 715 “Vùng xanh doanh nghiệp”... Những hoạt động đó đã khẳng định rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao vé xe về quê miễn phí cho CNLĐ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao vé xe về quê miễn phí cho CNLĐ.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị tổ chức Công đoàn Thủ đô cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện; không để phát sinh điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự. 

Nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của Công nhân lao động từng doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là các Khu công nghiệp và chế xuất. Khi có vướng mắc phát sinh, công đoàn cần khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động kịp thời giải quyết; hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra. 

Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động và thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. “Trước mắt, tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp tết nguyên đán Nhâm dần; không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết” – Bí thư Thành ủy nói.

Lãnh đạo TP Hà Nội trao quà cho công nhân lao động.
Lãnh đạo TP Hà Nội trao quà cho công nhân lao động.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị tổ chức Công đoàn vận động đoàn viên, người lao động tích cực, chủ động tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt:“Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID - 19” do Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội phát động; thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu.

Dịp này, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội TP phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, Công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố; đặc biệt chăm lo, hỗ trợ, động viên những công nhân lao động thuê trọ trên địa bàn ở lại Hà Nội, không về quê đón Tết gia đình.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp vào thành tích chung của TP và tô thắm thêm màu áo xanh vinh quang của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tại chương trình, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã trao tặng 10.000 suất quà, bằng tiền mặt trị giá 5 tỷ đồng, hỗ trợ 10.000 CNVCLĐ. LĐLĐ TP đã trao hỗ trợ kinh phí xây dựng 50 nhà Mái ấm Công đoàn (trị giá hỗ trợ mỗi Mái ấm Công đoàn xây mới là 40 triệu đồng; sửa chữa là 30 triệu đồng) cho 50 gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, chỗ ở.