Hà Nội: Bộ máy chính quyền phường tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả

Trần Long - Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Bộ máy chính quyền tại phường tinh gọn song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả...

Chiều 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cùng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Cùng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Dự cuộc làm việc có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành của T.Ư; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội....

Cuộc làm việc đánh giá về các nội dung: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường

Báo cáo tại buổi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết: Thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc.

Cùng đó, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức đảng được đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp được quan tâm chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”. Hoạt động của HĐND các cấp chuyển biến tích cực, rõ nét, đi vào thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới.

Đáng chú ý, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền được giữ ổn định và ở mức cao. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các quận, thị xã, phường được đánh giá tốt.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên, mối quan hệ công tác và hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp phường cơ bản ổn định. Công tác quản lý tài chính, ngân sách các cấp được triển khai kịp thời. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn phường được đảm bảo. Công tác đối thoại, tiếp dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, TP cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn. Đó là khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị nhưng số lượng đại biểu HĐND so với nhiệm kỳ trước giảm. Hoạt động của HĐND ở một số ít địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ.

Cùng đó, số lượng biên chế công chức làm việc tại các phường còn chưa đáp ứng yêu cầu so với quy mô dân số của các phường. Một số nội dung thu, chi ngân sách thực hiện ở cấp phường còn vướng mắc, cần tiếp tục có văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự chủ động trong điều hành của UBND phường. Việc chuyển đổi công chức Đảng, đoàn thể ở phường chưa đồng bộ với chuyển đổi công chức UBND phường.

Tăng cường phân quyền trong tổ chức bộ máy, biên chế

Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét, thống nhất chủ trương về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Cụ thể: Chính quyền đô thị tổ chức đầy đủ HĐND và UBND tại 2 cấp đơn vị hành chính (cấp thành phố Hà Nội; cấp thành phố thuộc thành phố Hà Nội, quận, thị xã thuộc thành phố). Chính quyền ở nông thôn tổ chức đầy đủ HĐND và UBND tại đơn vị hành chính huyện; xã, thị trấn.

Đề nghị quy định rõ về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội trên cơ sở căn cứ vào số lượng đơn vị hành chính và quy mô dân số của Thủ đô, với dự kiến đề xuất 125 đại biểu. Đồng thời tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP.

Thực hiện thống nhất một chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thuộc TP Hà Nội: Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, được quản lý thống nhất, liên thông từ cấp xã đến cấp thành phố; Công chức được tuyển dụng, sử dụng, quản lý thống nhất, liên thông từ cấp xã đến cấp thành phố.

Cán bộ làm trong cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm của chức danh công chức thì được tiếp nhận, bổ nhiệm vào ngạch công chức. Tăng cường phân quyền cho HĐND, UBND TP có thẩm quyền cao hơn về tổ chức bộ máy, biên chế.