Hà Nội cần làm gì để xây dựng thành phố thông minh đạt chuẩn?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xây dựng thành công mô hình TP thông minh, Hà Nội nên thay đổi hướng phát triển từ hình thức đơn lẻ sang hệ thống công nghệ kết nối.

Đây là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land, Dennis Ng Teck Yow với Kinh tế & Đô thị bên lề Hội nghị chuyên đề về “Hợp tác ASEAN - Nhật Bản vì sự thịnh vượng” ngày 4/6.

 Phiên làm việc với chủ đề "Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp"

Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề về “Hợp tác ASEAN – Nhật Bản vì sự thịnh vượng”, các chuyên gia và đại biểu cùng tham dự phiên làm việc với chủ đề “Thành phố thông minh – Các mô hình phát triển và giải pháp”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land, Dennis Ng Teck Yow, việc xây dựng TP thông minh không chỉ phụ thuộc vào hệ thống công nghệ mà còn cần cả một hệ thống hạ tầng thông minh để tạo ra sự liên kết. Với tốc độ đô thị hóa cao hiện nay, việc phát triển theo hình thức hệ thống đơn lẻ sẽ khiến các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

“Do vậy, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần tập trung nhiều hơn vào việc phát triển hệ thống công nghệ có tính kết nối, để từ đó xây dựng mô hình TP thông minh đạt chuẩn”, Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land nói.

Đối với vấn đề phát triển mô hình TP thông minh tại khu vực ASEAN, nhiều chuyên gia nhận định rằng, chính sự đô thị hóa và lượng dân số tăng tại các TP trong khu vực ASEAN dẫn tới những hệ quả như: quản lý chất lượng nước, không khí, quản lý giao thông, bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách thành thị - nông thôn… Nhiều chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn cụ thể về cơ hội và thách thức cho ASEAN trong định hình TP thông minh, và những ứng dụng khả thi từ kinh nghiệm của Nhật Bản để xây dựng chương trình TP thông minh tại ASEAN và các triển khai thực tế.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, nhận định về mối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản cũng như vai trò của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, không khó để nhận thấy được những động thái thể hiện sự gắt kết của mối quan hệ này và không khó để nhận thấy những dấu ấn của Nhật Bản đối với sự phát triển của ASEAN trong 45 năm qua. Tuy nhiên, với sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới và khu vực hiện nay, đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho cả hai bên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản, và Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể, điển hình như việc tổ chức các hội thảo để đưa chuyên gia từ Nhật Bản và khu vực ASEAN ngồi lại và bản thảo để đưa ra giải pháp đối phó với những thách thức trong vấn đề hòa bình ổn định, kết nối các nền kinh tế số, phát triển bền vững…

Về những ý kiến cho rằng, Việt Nam đang nắm vị trí trung tâm trong mối quan hệ giữa Nhật Bẩn và ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, nhận định hoàn toàn có cơ sở. Bởi là một nước điều phối, Việt Nam phải nắm vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ đó, điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự nỗ lực lớn để phối hợp với các bên nhằm có những sáng kiến tiến hành những hoạt động, dự án và đưa ra những văn kiện để dẫn dắt mối quan hệ này trong 3 năm tới.