Hà Nội: Chỉ 7,3% cơ sở khắc phục xong tồn tại về phòng cháy, chữa cháy

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Báo cáo số 51/BC-UBND, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2023 của HĐND TP quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Qua rà soát thống kê, trên địa bàn thành phố có 2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Phân loại theo loại hình có: 1.799 chung cư, nhà tập thể cũ (chiếm 60,36%); 338 văn phòng, trụ sở làm việc (chiếm 11.34%); 279 trường học, cơ sở giáo dục (chiếm 9,36%); 171 cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất (chiếm 5,73%); 87 đình chùa, miếu, cơ sở di tích, tín ngưỡng, tôn giáo (chiếm 2,9%); 54 kho, bãi chứa hàng hóa (chiếm 1.81%); 44 bệnh viện, cơ sở y tế (chiếm 1,47%); 33 khu chợ (chiếm 1.10%); 27 khách sạn, cơ sở lưu trú (chiếm 0,90%); 8 cơ sở kinh doanh hóa chất (chiếm 0,26%); 2 cửa hàng xăng dầu và một số loại hình cơ sở khác (bảo tàng, bến xe, bưu điện, công viên, tòa nhà hỗn hợp, nhà văn hóa, sân vận động, rạp chiếu phim...).

Phân loại theo nguồn vốn: 498 cơ sở sử dụng nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách (chiếm 16,7%); 298 cơ sở sử dụng ngân sách cấp trung ương (chiếm 10%); 829 cơ sở sử dụng ngân sách cấp thành phố (chiếm 27,8%); 1.354 cơ sở sử dụng ngân sách cấp huyện (chiếm 45,4%); 1 cơ sở chưa xác định nguồn ngân sách và UBND cấp xã chiếm 1%).

Tính đến thời điểm hiện tại, có 2.943 cơ sở đã cam kết lộ trình thực hiện khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 98,7%); 2.927 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 98,2%).

UBND cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục đối với 2.890 cơ sở (đạt 96,9%); 691 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí thực hiện khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 23,1%); 110 cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế (đạt 3,69%); 91 cơ sở đã triển khai thi công (đạt 3,05%); 66 cơ sở hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy (trong đó, 38 cơ sở đã được UBND cấp huyện xác nhận việc hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy; 28 cơ sở đã di dời, phá dỡ hoàn toàn không còn hoạt động hoặc đã xây mới) (đạt 2,21%).

Tiến độ thực hiện của một số đơn vị hiện nay vẫn còn chậm so với lộ trình đã đề ra, cụ thể: 7 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện, gồm: Hoàn Kiếm (295/303 cơ sở, đạt 97,3%), Bắc Từ Liêm (75/80 cơ sở, đạt 93,75%), Long Biên (76/80 cơ sở, đạt 95%), Sóc Sơn (16/24 cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện, đạt 66,6%), Sơn Tây (64/73 cơ sở, đạt 87,6%), Hoài Đức (4/15 cơ sở cam kết thực hiện, đạt 26.6%; 2/15 cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện, đạt 13,3%), Mỹ Đức (2/8 cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện, đạt 25%).

Năm 2023, thành phố mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là hoàn thành ít nhất 30% (tương ứng với 894 cơ sở), mới đạt 7,3%, lũy kế từ các năm trước mới hoàn thành 278 cơ sở.