Hà Nội chủ động bảo đảm an toàn cho người dân khi hồ chứa xả lũ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến mực nước sông Hồng đang lên do các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà đồng loạt xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có công điện đề nghị các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân.

Hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả thoát lũ.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, hồ Hòa Bình đã mở 1 cửa xả từ sáng 30/9. Chiều qua (1/10), 2 công ty thủy điện Sơn La, Thác Bà cũng đồng loạt mở 1 cửa xả. Kéo theo đó, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) tiếp tục lên trong ngày hôm nay, dù vẫn dưới báo động 1.
Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ gây ra, đơn vị đã có công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các sở, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình xả lũ các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, các phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết để chủ động phòng, tránh.
Tăng cường kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công trên các tuyến đê). Chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Rà soát, triển khai các phương án phòng, chống lũ. Tăng cường tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Triển khai phương án bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu theo phương án hộ đê đã được phê duyệt. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, khẩn trương, tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra.
Cùng với đó, các địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…