Hà Nội: Chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho khu vực nội đô lịch sử

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại khu vực đô thị Hà Nội, phát triển kiến trúc đảm bảo hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật và đặc biệt chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử.

Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Hà Nội vừa được UBND TP ban hành.

Theo UBND TP Hà Nội, Kế hoạch được xây dựng nhằm thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội.  Ảnh: Doãn Thành
Kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội.  Ảnh: Doãn Thành

TP yêu cầu rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến lĩnh vực kiến trúc và quản lý kiến trúc trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển kiến trúc theo mục tiêu, định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng đề án xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển kiến trúc; chương trình phát triển kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô.

Về định hướng kiến trúc đối với khu vực đô thị, TP sẽ phát triển kiến trúc đảm bảo hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật và đặc biệt chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử.

Nghiên cứu ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm đạt được tiêu chí “kiến trúc xanh”, từng bước tạo dựng không cảnh quan thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên. Đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc phù hợp với định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Đối với khu vực nông thôn, TP định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Phát triển kiến trúc tại nông thôn cần kế thừa và phát triển các hình thái, phong cách và chi tiết kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại.

Nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt tại địa phương. Nghiên cứu các giải pháp thiết kế phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, tôn trọng địa hình, thiên nhiên và khí hậu từng khu vực; kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc; bổ sung những chức năng còn thiếu.  Đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả.

Kế hoạch cũng nêu định hướng phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong việc tham gia vào quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam nói chung và của TP Hà Nội nói riêng hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo lập, hoàn thiện môi trường cư trú tiện nghi và bền vững.

Nâng tầm, đổi mới công tác truyền thông, giáo dục phổ cập nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng của Định hướng và mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Về tổ chức thực hiện, UBND TP giao Sở QH – KT Hà Nội là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có các giải pháp kịp thời.

Phối hợp với các sở, ban, ngành và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức các hoạt động, nghiên cứu khoa học về phát triển kiến trúc và ứng dụng khoa học công nghệ trong kiến trúc và thiết kế kiến trúc.

Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc, dữ liệu về kiến trúc truyền thống.

Bên cạnh đó, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện xây dựng Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố; Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã lập quy chế quản lý kiến trúc khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn theo quy định của Luật Kiến trúc gắn với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.