Hà Nội: Chương trình OCOP là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất

Văn Biên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Hà Nội: Chương trình OCOP là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất - Ảnh 1
Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP là chương trình rất có ý nghĩa để kết nối, quảng bá sản phẩm của Thủ đô gắn với văn hóa các tỉnh, thành khác. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Tính đến hết năm 2022, có 321/806 làng đã được Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề.

Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình OCOP trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), gồm 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

Trong đó, ngành thực phẩm 1.372 sản phẩm, ngành đồ uống 47 sản phẩm, ngành thảo dược 39 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 660 sản phẩm, ngành vải và may mặc 47 sản phẩm, du lịch 2 sản phẩm và trở thành điểm sáng, đi đầu của cả nước trong phát triển chương trình OCOP.

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

“Các sản phẩm OCOP của TP Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Ông Tạ Văn Tường cũng cho rằng, tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung còn lệ thuộc nhiều vào liên kết vùng nguyên liệu đầu vào của các vùng miền trong cả nước. Vì vậy, việc tổ chức các sự hiện quảng bá sản phẩm, hội chợ với mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp, chủ thể quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tối 21/9 vừa qua, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tham gia sự kiện lần này có hơn 100 gian hàng và trên 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ và Quảng Ninh. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Kiên Giang…

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường biểu dương các chủ thể OCOP và đặc sản các vùng miền trên cả nước trong thời gian qua đã tích cực tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại để kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước tạo điều kiện cho Nhân dân, khách tham quan nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.