Hà Nội: Chuyện chưa kể về Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phúc Thọ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 9/1940, Chi bộ Thuần Mỹ (nay thuộc Đảng bộ xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) được ra đời. Đây được xem là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, lan rộng của phong trào cách mạng trên quê hương Phúc Thọ.

Những “hạt giống đỏ” đầu tiên

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chi bộ Đa Phúc (Chi bộ Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây cũ, đặt dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội) chủ trương đẩy mạnh phát triển cơ sở rộng ra các địa phương trong tỉnh.

Theo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phúc Thọ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đa Phúc, từ năm 1939, trên địa bàn huyện, cơ sở cách mạng từ Phương Độ (nay thuộc Sen Phương) được phát triển đến Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc). Cũng từ năm 1939, đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bí thư Chi bộ Đa Phúc đã trực tiếp về Thuần Mỹ tuyên truyền và xây dựng tổ chức cách mạng.

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ thăm Nhà truyền thống cách mạng thôn Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc).
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ thăm Nhà truyền thống cách mạng thôn Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc).

Nhờ hoạt động tích cực của đồng chí Khuất Duy Tiến trước đó, công tác tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng tại Thuần Mỹ có nhiều thuận lợi. Tháng 5/1940, Tổ chức Thanh niên phản đế Thuần Mỹ được thành lập với số lượng tham gia ban đầu là 7 người.

Từ tổ chức Thanh niên phản đế ban đầu này, lực lượng quần chúng cách mạng tại Thuần Mỹ nhanh chống mở rộng ra các giới nông dân, phụ nữ, học sinh. Từ Thuần Mỹ, phong trào yêu nước cách mạng nhanh chóng phát triển sang Tuy Lộc, Trạch Lôi, Cổ Đông, Đồi Láng, Bách Lộc, Phụng Thượng…

Đến năm 1940, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hình thành hai khu vực có cơ sở cách mạng vững chắc: vùng phía Bắc là các địa phương Phương Độ, Bách Lộc, Thuần Mỹ, Tuy Lộc, Trạch Lôi và khu vực phía Nam tập trung tại Phụng Thượng. Đóng vai trò trung tâm cho phong trào cách mạng trên toàn huyện giai đoạn này chính là Thuần Mỹ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, giữa tháng 9/1940, Chi bộ Thuần Mỹ được thành lập gồm các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Huy Phường, Khuất Thị Bảy, do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Tiếp đó, Chi bộ kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Văn Thái (xã Phương Độ) vào tổ chức. Đây là Chi bộ đầu tiên được thành lập ở huyện Tùng Thiện (cũ), nay thuộc huyện Phúc Thọ.

Đảng bộ huyện Phúc Thọ ngày một phát triển

Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự ra đời của Chi bộ Thuần Mỹ đánh dấu bước ngoặt về chất của phong trào cách mạng ở huyện Phúc Thọ. Đặc biệt, sự ra đời của Chi bộ này cũng tạo đủ điều kiện để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Sơn Tây vào tháng 10/1940. 

 

Năm 2015, xã Trạch Mỹ Lộc được UBND TP Hà Nội công nhận về đích nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, sớm trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch. Địa phương đang tập trung nguồn lực phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao.

Từ khi thành lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ lâm thời Sơn Tây, Chi bộ Thuần Mỹ đã tổ chức giáo dục quần chúng phản đế học tập tinh thần anh dũng của khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ; vận động quần chúng quyên góp tiền bạc ủng hộ Bắc Sơn.

Đặc biệt, hoạt động gây tiếng vang nhất giai đoạn này là Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng tổ chức cuộc mít tinh tại Khoang Côm - La Gián (xã Cổ Đông) vào ngày 6 tháng giêng âm lịch năm 1941. Cuộc mít tinh được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng đến dự, đã ảnh hưởng lớn tới các địa phương trong vùng, là điều kiện quan trọng để tập hợp xây dựng các tổ chức quần chúng địa phương.

Đầu tháng 8/1945, các phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng đã nổ ra mạnh mẽ. Ngày 19/8/1945, nhân dân Phúc Thọ tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Với khí thế hừng hực, ngày 21/8/1945 nhân dân các địa phương Thuần Mỹ, Lạc Trị, Thượng Hiệp, Phụng Thượng, Ngọc Tảo, Tích Giang, Võng Xuyên… phối hợp với các lực lượng của huyện Quốc Oai, Thạch Thất tiến lên giành chính quyền thành công tại tỉnh lỵ Sơn Tây.

Có thể thấy, sự kiện Chi bộ Thuần Mỹ - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phúc Thọ ra đời vào tháng 9/1940 có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Chi bộ ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống quân xâm lược. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, tổn thất, hy sinh, nhưng nhờ có những hoạt động tích cực của Chi bộ và các lớp đảng viên kiên trung, phong trào cách mạng đã phát triển, lan rộng khắp các địa phương trong huyện, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên địa bàn huyện.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phúc Thọ Tô Văn Sáng, trải qua 83 năm xây dựng và phát triển, từ một Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện với 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Phúc Thọ đã có 69 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, với tổng số 8.632 đảng viên.

Trong tổng số các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, có 20 đảng bộ xã, 1 đảng bộ thị trấn, 7 đảng bộ đơn vị sự nghiệp, 2 đảng bộ lực lượng vũ trang, 1 Đảng bộ khối Doanh nghiệp và 38 chi bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ huyện Phúc Thọ hiện có 354 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở.

Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Phúc Thọ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt các nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử cụ thể, góp phần đưa quê hương Phúc Thọ phát triển nhanh và bền vững.