Hà Nội có thể cho học sinh nghỉ học để phòng tránh rét đậm, rét hại

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ sẽ đón nhận đợt rét hại đầu tiên của mùa Đông 2021 - 2022. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai ngày 24/12 đã có công văn đề nghị các địa phương chủ động biện pháp ứng phó, bao gồm cả việc nghiên cứu cho học sinh nghỉ học vào những ngày rét đậm, rét hại.

Các tỉnh, TP nghiên cứu, có thể chủ động cho học sinh nghỉ học trong những ngày rét đậm, rét hại. Ảnh minh hoạ.
Bản tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 26 - 28/12/2021, khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) sẽ có rét đậm, vùng núi rét hại; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10 - 13 độ C, vùng núi có nơi từ 4 - 7 độ C, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, đây là đợt rét hại đầu tiên của mùa Đông 2021 - 2022, trùng vào đợt nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, ngày 24/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và Nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh; không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây. Đặc biệt, căn cứ tình hình thời tiết cụ thể, các địa phương có thể chủ động cho học sinh nghỉ học.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm; chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét. Triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn. Hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. 
Bên cạnh đó, chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra thực tế, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh.