Hà Nội có thêm trên 550.000 m2 nhà ở xã hội năm 2020

Doãn Thành - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu trên được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nêu ra tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở xây dựng về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và ngành xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra sáng 22/12. Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Thanh Hải)
Hoàn thành chương trình nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2020, trên địa bàn TP đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 sàn tương ứng 5.348 căn hộ; hoàn thành 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn, 53.644 căn hộ; hoàn thành 5 dự án nhà tái định cư tương ứng 154.270m2 sàn, 1.723 căn hộ. Ngoài ra, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư là 2.876 căn hộ, số căn hộ đã thu hồi là 2.474 căn; ban hành quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội.
“Công tác nhà ở đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020; trình UBND TP chủ trương xây dựng Chương trình nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2057” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay.
Đối với Đề án “Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, Sở chủ trì tham mưu cho UBND TP có văn bản lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng đề xuất một số cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: yêu cầu 100% chủ sở hữu thống nhất; quy định hiện hành những bước chưa phù hợp; nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, nhà chung cư hết niên hạn sử dụng; điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; chỉ định đầu tư...
Qua công tác tham mưu của Sở Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, TP Hà Nội đã được Bộ Xây dựng thống nhất đổi tên, mục tiêu đề án thành “Đề án thí điểm các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” và lựa chọn 5 khu chung cư cũ để thực hiện thí điểm, tại văn bản số 4996/BXD-QLN.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong trình bày báo cáo (Ảnh: Thanh Hải).
Đối với công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản: Sở đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 241/KH-UBND của UBND TP về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP”. Tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND quy định chi tiết một số nội dung về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội; trên cơ sở đó, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn cho UBND quận, huyện.
Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công ty Quản lý & Phát triển Hà Nội xử lý vi phạm về nhà chuyên dùng; giải quyết bán chỉ định nhà thuộc sở hữu nhà nước; thực hiện hỗ trợ đối tượng chính sách được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...; yêu cầu UBND quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận nhà ở diện tự quản chưa chuyển giao sang TP quản lý. Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại biệt thự, báo cáo UBND TP ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954.
Đã trình UBND TP để xem xét, ban hành Quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn giải quyết kiến nghị, phản ánh giữa người mua nhà và chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP. Sở đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của 36 dự án nhà ở, với tổng số 19.451 căn nhà, tương ứng khoảng 1.603.007m2 sàn kinh doanh.
Chú trọng công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, nhìn lại năm 2020 và 5 năm qua, với trách nhiệm cơ quan thường trực Chương trình 06 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020’’, Sở Xây dựng đã làm tốt nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Điều này góp phần giúp TP Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Nổi bật, tổng công suất nguồn cấp nước hiện nay đạt 1,520 triệu m3/ngày đêm đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và tỷ lệ phủ mạng tại khu vực nông thôn đạt 78%; rác thải thu gom vận chuyển trong ngày của đô thị đạt 98%; hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh; công tác xử phạt vi phạm TTXD đạt kết quả tốt; đã hoàn thành chương trình nhà ở xã hội cho người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận Hội nghị (Ảnh: Thanh Hải).
Đặc biệt, trong năm 2020 với nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp đều thực hiện tốt và hoàn thành. Tính đến ngày 15/12/2020, Sở Xây dựng đã hoàn thành 1.172/1.242 nhiệm vụ (đạt 94,36%) và 70 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện, không có nhiệm vụ chậm, muộn. Trong đó, đang triển khai đợt cao điểm chỉnh trang hè phố để chào mừng Tết Nguyên đán và chào mừng Đại hội XIII của Đảng sắp tới. Những vụ việc khó, nhạy cảm, phức tạp đã làm rất quyết liệt, được nhân dân tin tưởng như: Vụ xử lý nhà 8B Lê Trực, xử lý các bất cập tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn... Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị TP vào cuộc, trong đó có công sức quan trọng của Sở Xây dựng

Nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, thời gian tới, trên cơ sở kết quả tổng kết Chương trình 06 thì Sở phải rà soát lại để sớm xây dựng dự thảo Chương trình 03. Trong đó, chú ý đến yếu tố về chỉnh trang, hiện đại hoá, phát triển đô thị và phải tập trung toàn lực để sớm tổ chức thực hiện với tư cách cơ quan thường trực.
Đối với công tác phát triển đô thị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của TP để thực hiện và phải nêu rõ mốc thời gian thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, chọn một số vấn đề để làm điểm trong ngay trong năm 2021 như: Công viên, xây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà tái định cư, vệ sinh môi trường… để giải quyết vấn đề lãng phí, nhếch nhác cảnh quan.
Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng Đảng, sắp lại đầu mối, bộ máy phòng ban theo đúng quy định để tăng cường năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa Đội Thanh tra xây dựng với chức năng của Sở; xử phạt nghiêm đối với những vi phạm về xây dựng và giảm phiền hà đối với người dân, DN. Đặc biệt, chuẩn bị sớm việc đầu tư một số dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực của Sở.
Đối với những kiến nghị của Sở, Bí thư Thành uỷ giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổng rà soát lại để ban hành mới, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với quy định của Nhà nước và chánh chuyện chồng chéo, trùng lặp.

"Trong quá trình phát triển của Thủ đô, ngành xây dựng đóng vai trò rất quan trọng, thời gian qua Sở đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, chủ động trong công tác tham mưu, nên những kết quả đạt được đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính, 94,5% văn bản thủ tục được xử lý hoàn thành trong năm 2020; cùng với đó là công tác lãnh đạo điều hành cũng có sự chuyển biến rõ rệt.  Ngoài ra, Sở đã có nhiều tham mưu tích cực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành..."- Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Chu Ngọc Anh