Hà Nội: Cửa hàng thời trang hoạt động trở lại, giảm giá sâu vẫn ế ẩm

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 28/9, UBND TP Hà Nội đã cho phép các cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm mở cửa hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách. Thông tin này khiến các tiểu thương, DN kinh doanh mặt hàng thời trang rất phấn khởi vì được buôn bán trở lại, khôi phục nguồn thu.

Đồng loạt mở cửa
Ghi nhận trong sáng 28/9 của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang như: Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Hàng Đào, Hàng Ngang… cho thấy, hầu hết cửa hàng kinh doanh quần áo đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại.
Anh Đinh Xuân Thắng - tiểu thương bán quần áo trẻ em ở 28 Hàng Đào cho biết: "Tôi rất phấn khởi khi UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa bán hàng trở lại sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Quyết định này đã tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh thời trang nhỏ lẻ tiêu thụ hàng hóa, thu hồi vốn".
Chủ cửa hàng thời trang Friday trên phố Chùa Bộc chia sẻ, mặc dù TP Hà Nội đã cho các cửa hàng kinh doanh quần áo hoạt động trở lại, nhưng hiện đang thời điểm mùa Thu, các cửa hàng phải chọn lọc lại mặt hàng phù hợp thị trường, giảm bớt trang phục mùa hè.
“Hiện lượng thời trang hè tồn kho còn khá nhiều nên tôi chỉ bỏ hàng cũ ra bán, chưa dám nhập hàng mới thêm vì không biết tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến như thế nào”- chủ cửa hàng thông tin.
Tại shop thời trang M2, ngay sau khi biết được tin được bán hàng trở lại, các nhân viên tất bật lau chùi, vệ sinh sắp xếp lại các mặt hàng thời trang phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
 Cửa hàng thời trang trên phố Hàng Ngang mở cửa bán hàng sáng 28/9

Thực tế cho thấy, trong ngày đầu mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại các cửa hàng, shop thời trang đều nghiêm túc thực hiện quy định 5K, như dán mã QR để khách đến mua hàng khai báo y tế, đo thân nhiệt cho khách hàng trước khi vào shop mua sắm qua đó quản lý thông tin người ra vào qua đó ngăn chặn dịch Covid-19. Quan sát trong sáng 28/9, hầu hết người đến mua, xem hàng đều chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang, quét mã QR trước khi vào các cửa hàng.
Thời trang giảm giá đến 80%
Để thu hút người tiêu dùng, ngay trong ngày đầu mở cửa hoạt động trở lại, đa số cửa hàng đã giảm giá sản phẩm thời trang từ 20 - 50%, thậm chí đến 80% nhưng vẫn rất ít người mua.
Ghi nhận cho thấy, chuỗi sản phẩm thời trang nhãn hiệu Genviet tổ chức chương trình khuyến mại “Trợ giá mùa dịch” giảm giá từ 40 - 70% cho tất cả sản phẩm thời trang jeans. Tương tự, các thương hiệu thời trang như Seven Am, Format,  Friday, Lalya… tổ chức chương trình khuyến mại “Hà Nội trở lại rồi”, qua đó giảm giá lên đến 80% cho sản phẩm thời trang.  Đại diện nhãn hàng thời trang Seven Am cho biết, nhiều sản phẩm thời trang của đơn vị như sơ mi chiffon cổ tròn xếp ly, áo cộc tay cổ vạt chéo… được giảm giá chỉ còn 99.000 đồng/sản phẩm, một số mẫu váy công sở hoặc đi chơi cũng giá chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.
Ngoài mặt hàng may mặc, thời trang, một số cửa hàng mỹ phẩm, giày dép cũng giảm giá từ 10 - 30% giá niêm yết ngay trong ngày mở cửa hoạt động trở lại.
Cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc đồng loạt giảm giá từ 70 - 80%

Không chỉ mặt hàng thời trang cao cấp mới khuyến mại, giảm giá, trong ngày đầu mở cửa, các mặt hàng “bình dân” cũng giảm giá sâu.
Chủ cửa hàng thời trang Twenty trên phố Chùa Bộc Đinh Thị Quỳnh Anh cho biết: "Ngay trong ngày đầu mở cửa kinh doanh trở lại tôi đã chạy chương trình giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng. Các mặt hàng như quần âu, áo kiểu, váy, đều xả đồng giá 159.000 đồng và 239.000 đồng/2 bộ''.
Lý giải việc tổ chức giảm giá ngay trong ngày đầu mở cửa kinh doanh, hầu hết chủ cửa hàng thời trang có chung ý kiến, do thời gian nghỉ cách ly xã hội nên Hà Nội đang vào thời điểm giao mùa Thu - Đông nên các mặt hàng Hè khó tiêu thụ. Do vậy các cửa hàng phải giảm mạnh giá bán những sản phẩm này để thu hồi vốn, cũng như có không gian để nhập hàng mới.
Mặc dù các nhãn hàng thời trang và tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đồng loạt giảm giá, nhưng sức tiêu thụ trong ngày đầu không cao. Chủ các cửa hàng quần áo trên phố Hàng Đào, Chùa Bộc có chung phản ánh mặc dù đã giảm giá hết mức nhưng từ sáng đến giờ chỉ tiêu thụ được vài sản phẩm.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, một trong những nguyên nhân khiến mặt hàng thời trang ế ẩm là do dịch Covid-19 khiến kinh tế eo hẹp, người dân thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không cần thiết. Bên cạnh đó trong thời điểm giãn cách xã hội người dân không được ra đường nên hầu hết cửa hàng đều bán hàng online, quảng cáo chương trình, sản phẩm giảm giá… ”Vì vậy trong ngày đầu hoạt động trở lại dù chạy các chương trình siêu giảm giá nhưng hàng thời trang ế ẩm là điều khó tránh khỏi”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Bùi Thị Thúy ở ngõ 115 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) bày tỏ: "Từ cuối tháng 7 đến nay do dịch Covid-19 tôi hầu như chẳng đi đâu, nên nếu mua về rồi để đó, sau cũng bị lỗi mốt hoặc không còn muốn sử dụng nữa. Do vậy tôi hạn chế mua sắm đồ thời trang thời điểm này. Ngoài ra sản phẩm thời trang giảm giá chủ yếu là hàng Hè, trong khi hiện thời tiết giao mùa nên nhu cầu mua không có''.