Vận tải hành khách dịp cuối năm

Hà Nội đã sẵn sàng bước vào cao điểm

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có hơn 8 triệu dân, phần lớn trong số đó mỗi dịp cuối năm lại về quê ăn Tết, hoặc du lịch, khiến nhu cầu vận tải hành khách liên tỉnh (VTHKLT) tăng vọt.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024 sắp tới, TP đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi phương diện, sẵn sàng nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đáp ứng người dân, đồng thời giữ gìn trật tự, ATGT.

Bảo đảm phương tiện vận chuyển

Hà Nội đã bắt đầu bước vào đợt cao điểm Tết và Lễ hội Xuân năm 2024. Nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân dự kiến có sự gia tăng đột biến như thông lệ.

Để bảo đảm phục vụ Nhân dân, UBND TP, Sở GTVT, Công an Hà Nội đã có kế hoạch, đôn đốc các đơn vị vận tải, lực lượng chức năng bám sát tình hình, tập trung tối đa cho lĩnh vực GTVT, đặc biệt là VTHKLT.

Ngay từ đầu tháng 12 này, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4192/UBND - ĐT về việc bảo đảm trật tự, ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 gửi các đơn vị, địa phương liên quan...

UBND TP giao Công an TP chỉ đạo lực lượng CSGT; công an quận, huyện, thị xã; công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT. Tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

UBND TP cũng giao Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ trong dịp nghỉ Tết. Giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện. Phối hợp với Công an TP ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực VTHKLT, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nhồi nhét khách, tăng giá vé trái quy định.

Hành khách lên xe tại bến Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng
Hành khách lên xe tại bến Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của Nhân dân trong đợt cao điểm Tết 2024 sắp tới, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách xây dựng kế hoạch bố trí xe dự phòng, tăng cường để kịp thời đáp ứng khi cần thiết.

Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng cho biết, hiện ba bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đã chuẩn bị 2.500 lượt xe dự phòng cho cao điểm Tết sắp tới. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đã dự phòng hàng nghìn lượt xe buýt trên tất cả các tuyến, nhất là một số tuyến đi ngoại thành, kết nối với sân bay, bến xe, nhà ga đường sắt… sẵn sàng giải tỏa hành khách khi cần.

 

 

Lãnh đạo Công an TP, Sở GTVT Hà Nội nên trực tiếp “vi hành” để theo dõi, nắm bắt công tác xử lý xe dù, bến cóc, xe khách trá hình dừng đỗ tùy tiện gây mất trật tự, ATGT, cũng như giám sát công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trên đường trong dịp cao điểm Tết 2024 sắp tới. Chỉ có trực tiếp tìm hiểu, nhìn nhận mới thấy rõ những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực VTHKLT và xử lý vi phạm để có quyết sách đúng và trúng hơn.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh

 

Về chất lượng dịch vụ VTHKLT, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu tất cả đơn vị vận tải phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phương tiện phục vụ phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Các bến xe khách cũng như toàn bộ hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn TP phải được chỉnh trang, vệ sinh sạch đẹp.

Các đơn vị khai thác bến xe có trách nhiệm chủ động kiểm tra, kiểm soát xe ra vào bến. DN vận tải cần quán triệt toàn bộ nhân viên lái, phụ xe nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ; tuân thủ nghiêm túc luật an toàn giao thông; tuyệt đối không dùng rượu, bia, chất kích thích khi thực hiện nhiệm vụ.

Đối với xe khách, xe taxi, Sở GTVT yêu cầu niêm yết giá cước trên xe theo quy định, không tùy tiện tăng giá, phụ thu khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Đến thời điểm này tất cả các DN vận tải của Hà Nội đều cam kết không tăng giá vé.

Giảm áp lực từ xa

Nhằm giảm tối đa áp lực tại bến xe trước và sau các dịp nghỉ Tết, Sở GTVT đề nghị tất cả đơn vị khai thác bến xe phối hợp với DN vận tải sớm bán vé đến tận tay hành khách. Thông qua nhiều hình thức như: ký hợp đồng bán vé, đưa đón tận nơi với các trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất; bán vé qua mạng cho hành khách để tránh dồn ứ cục bộ trong từng thời điểm…

Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết: “Tất cả các nhà xe tại bến đều nhận đặt vé qua tổng đài điện thoại, website… để thuận tiện tối đa cho hành khách. Người dân chỉ cần mua vé, đặt chỗ trước, đến bến đúng giờ, lên xe xuất phát ngay, không phải chen chúc xếp hàng như nhiều năm trước”.

Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Trần Ngọc Hòa cho hay: “Công ty đã phát động cao điểm phục vụ hành khách dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2024, chính thức đưa bộ máy nhân sự của bến vào giai đoạn tập trung cao độ. Bến xe Mỹ Đình cũng vừa khánh thành, đưa vào sử dụng khu vực nhà chờ chất lượng cao theo tiêu chuẩn sân bay. Hành khách sẽ được phục vụ tốt nhất khi đến bến”.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị vận tải, vẫn còn đó nỗi lo xe dù, bến cóc, xe khách trá hình. Dịp giáp Tết khi nhu cầu gia tăng đột biến, các vi phạm này cũng diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, không chỉ gây mất an ninh, trật tự, ATGT mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hành khách, Nhân dân.

Các tuyến đường phố xung quanh khu vực bến xe, cửa ngõ sẽ “nóng” hơn với sự xuất hiện của xe khách trá hình, xe “rùa bò” lê la bắt khách. Đặc biệt đáng lo là hiện tượng "chặt chém", nhồi nhét hành khách khi xe đã ra khỏi bến hoặc xe chạy dù, chạy trá hình. Dù lực lượng chức năng căng hết sức tuần tra, kiểm soát, bên cạnh đó còn có đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, nhưng những vi phạm nêu trên vẫn có khả năng cao diễn ra không ít.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP có mạng lưới VTHKLT kết nối đến 41 tỉnh, thành trên cả nước với 897 tuyến, 502 đơn vị vận tải, hơn 3.300 phương tiện, vận hành khoảng 3.600 chuyến/ngày từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Sơn Tây. “Mạng lưới VTHKLT của TP đủ năng lực đáp ứng nhu cầu lại của Nhân dân. Người dân nên đến bến xe mua vé, hoặc đặt vé sớm, ra bến lên xe để được bảo đảm quyền lợi tốt nhất. Không nên bắt xe dọc, đường, đi xe dù, xe trá hình sẽ có thể gặp nhiều rủi ro bất ngờ”.

 

Nội dung ở đâyVai trò của bến xe đối với VTHKLT hết sức quan trọng, vừa là mối quan hệ cộng sinh, vừa có sự tương hỗ khăng khít để tạo nên sản phẩm dịch vụ vận tải. Nếu không có bến xe, nếu các đơn vị vận tải không đồng hành cùng bến thì không thể làm tốt công tác quản lý, VTHKLT sẽ vỡ trận. Nhiều bến xe của Hà Nội đã chú trọng đến sự hài lòng của hành khách, nâng cao chất lượng phục vụ, hạ tầng cơ sở, tạo nên sức hút với hành khách và cả DN vận tải, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Thìn sắp tới. Ví dụ như Bến xe Mỹ Đình đã được đầu tư cơ sở rất khang trang, đáp ứng mong mỏi của cả DN vận tải lẫn người dân, mang đến trải nghiệm dịch vụ an toàn, tiện nghi và thuận lợi nhất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên Nguyễn Quốc Mạnh

 

Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị, UBND các quận, huyện tăng cường giám sát hoạt động của các văn phòng, chi nhánh đại diện của DN xe hợp đồng, du lịch để phát hiện, xử lý hành vi đón khách, bốc xếp hàng hóa gây mất trật tự, ATGT, vi phạm những quy định về vận tải trên địa bàn do mình quản lý. Đặc biệt là phải rà soát, kiên quyết xử lý các tụ điểm bến cóc hình thành tại những khu đất trống, trên một số tuyến đường phố trung tâm để giảm thiểu hoạt động của xe dù, xe khách trá hình.

UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với Công an TP vào trước, trong và sau Tết 2024, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm. Kiên quyết xử lý phương tiện kinh doanh vận tải khách chạy sai hành trình, chở quá số người quy định, xe chạy kiểu “rùa bò”, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định...